Quản lý quỹ Thăng Long bị "tuýt còi" vì không chịu tách biệt trụ sở và trang thiết bị với Bamboo Capital

Chủ tịch của Quản lý quỹ Thăng Long cũng chính là Chủ tịch của Bamboo Capital nên việc hai đơn vị chung trụ sở là điều dễ hiểu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt 50 triệu đồng với Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thăng Long do đơn vị không tách biệt về trụ sở, trang thiết bị với các tổ chức kinh tế khác.

Cụ thể, trụ sở làm việc, trang thiết bị của Công ty được sử dụng chung và không tách biệt với Công ty cổ phần Bamboo Capital (Mã: BCG) tại cùng địa chỉ phòng L14-08B, tầng 14, Trung tâm Vincom, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Quản lý quỹ Thăng Long được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Tới năm 2015 Công ty đã nâng vốn điều lệ lên 37 tỷ đồng.

Quản lý quỹ Thăng Long bị "tuýt còi" vì không chịu tách biệt trụ sở và trang thiết bị với Bamboo Capital - Ảnh 1
Nguồn: Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thăng Long 

Ngày 12/9 vừa qua, UBCKNN đã chấp thuận các thay đổi làm thay đổi cơ cấu sở hữu của quỹ. Cụ thể, CTCP Đầu tư tài chính Thăng Long – công ty mẹ đã chuyển toàn bộ 56,76% vốn cùng 27% vốn của hai cổ đông cá nhân cho Fides Investment Management Co., Ltd - công ty tài chính của Hàn Quốc hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007 và Công ty TNHH UNI Eastern Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của quỹ đồng thời là Chủ tịch của Bamboo Capital chuyển 8,1% vốn cho Công ty UNI Eastern Việt Nam. Ông Trần Thế Sơn, một cổ đông lớn không nắm chức vụ tại quỹ cũng chuyển hơn 18,9% vốn cho Công ty UNI Eastern Việt Nam.

Sau chuyển nhượng, tổ chức nước ngoài Fides Investment Management nắm 51% vốn, trở thành công ty mẹ còn Công ty TNHH UNI Eastern Việt Nam sở hữu 32,78% vốn tại đây.

Ông Nguyễn Hồ Nam từng đảm nhận vai trò Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán Sacombank (SBS). Hiện nay, bên cạnh chức vụ Chủ tịch tại Bamboo Capital thì ông Nguyễn Hồ Nam cũng đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Tracodi.

Theo báo cáo tài chính quý II/2019, tổng tài sản tại ngày 30/6 của quỹ là 30,5 tỷ đồng. Trong đó khoản đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu của CTCP Xây dựng 9.2 lên tới 24 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, lãi suất 6%/năm, trả lãi ngày đáo hạn với kỳ hạn 35 tháng từ ngày 20/10/2017  -19/9/2020.

Hiện quỹ đã không đầu tư vào cổ phiếu niêm yết khi tổng giá trị đầu tư chỉ hơn 1,1 triệu đồng tại ngày 30/6 chủ yếu là số lượng cổ phiếu nhỏ lẻ khi chia tách.

6 tháng đầu năm quỹ không hề phát sinh doanh thu hoạt động nhưng lãi từ tiền gửi, tiền cho vay hơn 714 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí thì 6 tháng quỹ vẫn lỗ 124 triệu đồng. Tại thời điểm 30/6 tổng lỗ lũy kế của quỹ đã lên tới hơn 7 tỷ đồng.

Còn Bamboo Capital được thành lập năm 2011 với hai mảng chính ban đầu là ngân hàng đầu tư và tư vấn, cung cấp giải pháp công nghệ thông tin. Sau đó Bamboo Capital liên tục mở rộng kinh doanh, hiện doanh nghiệp hoạt động chính trong các mảng:  Nông nghiệp và sản xuất, xây dựng và thương mại, cơ sở hạ tầng và bất động sản, năng lượng tái tạo với vốn điều lệ 1.080 tỷ đồng.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục