Lãi kỷ lục, phải trả người lao động và thuế 500 tỷ đồng
2021 là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Một số thành phố lớn trên 1 lần thực hiện giãn cách xã hội, từ đó khiến ngành bán lẻ, trong đó có Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) gặp khó.
Tuy nhiên, bất chấp đại dịch Covid-19, PNJ vẫn không ngừng vươn lên và lập nhiều kỷ lục mới. Cả doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh, lên mức cao chưa từng có, lần lượt đạt 19.736 tỷ đồng và 1.029 tỷ đồng.
Bước sang 2022, PNJ duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2022 đạt 10.229 tỷ đồng, tăng 2.994 tỷ đồng, tương đương 41,4% so với quý 1/2020, lợi nhuận sau thuế tăng 208 tỷ đồng, tương đương 40,5% lên 721 tỷ đồng.
Kinh doanh khởi sắc nên PNJ có dư địa mạnh tay tăng thù lao cho dàn lãnh đạo cấp cao. Thế nhưng, PNJ gây bất ngờ khi phải trả người lao động và thuế hơn 500 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1/2022, chỉ tiêu phải trả người lao động của PNJ lên đến 310 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 222 tỷ đồng.
Trong đó, các khoản phải nộp là thuế thu nhập doanh nghiệp có giá trị lớn nhất đạt 190 tỷ đồng. Đứng sau là thuế GTGT 32,2 tỷ đồng, thuế TNCN là 7,5 tỷ đồng.
“Phải trả” người lao động và thuế dường như là “thói quen” của PNJ. Trong thời gian dài, hai chỉ tiêu này đứng ở mức rất cao.
Trước đó, tại ngày 31/12/2021, giá trị chỉ tiêu phải trả người lao động và thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt cao hơn khá nhiều, lên đến 695 tỷ đồng. PNJ có 6.000 người lao động, bình quân, PNJ nợ mỗi nhân sự 6,1 triệu đồng.
Còn tại thời điểm cuối các năm 2020, 2019 và 2018, phải trả người lao động là 291 tỷ đồng, 222 tỷ đồng, 228 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lần lượt đạt 215 tỷ đồng, 193 tỷ đồng, 154 tỷ đồng.
Lãnh đạo lập kỷ lục về thù lao
Trong quý 1/2022, PNJ không thông báo về chế độ lương thưởng của dàn lãnh đạo cấp cao nhưng năm 2021, những con số này đã được tiết lộ. Và đó là những con số cao kỷ lục.
Cụ thể, trong năm 2021, chỉ tiêu lương và các quyền lợi khác của lãnh đạo PNJ lên đến 64,5 tỷ đồng, tăng 9,6 tỷ đồng, tương đương 17,5% so với năm 2020.
Trong đó, các thành viên Hội đồng quản trị có mức tăng lương cao hơn, tăng 6,4 tỷ đồng, tương đương 48,1% lên 19,7 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị PNJ gồm 9 người: Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và 8 Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Như vậy, trung bình mỗi lãnh đạo nhận 2,2 tỷ đồng/người/năm, tương đương 182 triệu đồng/người/tháng.
Các thành viên Ban Điều hành nhận tổng 44,8 tỷ đồng, tăng 13,8 tỷ đồng, tương đương 44,5%. Ban Điều hành gồm Tổng giám đốc Lê Trí Thông và 6 Phó Tổng giám đốc. Bình quân, mỗi người được trả 6,4 tỷ đồng/người/năm, tương đương 533 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, PNJ phải trả dàn lãnh đạo này tổng 10 tỷ đồng.
Là người đứng đầu Hội đồng quản trị và Ban Điều hành, bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trí Thông nhiều khả năng sẽ nhận thù lao cao hơn mức trung bình (2,2 tỷ đồng/năm và 6,4 tỷ đồng/năm).
Về phần ông Lê Trí Thông, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Thành viên Hội đồng quản trị PNJ, thù lao ông có thể nhận được (nếu cộng tổng hai mức trung bình kể trên) là 8,6 tỷ đồng/năm.
Còn về bà Cao Thị Ngọc Dung, thu nhập gần đây nhất của bà được tiết lộ lên đến 5,2 tỷ đồng trong năm 2018. Nếu tốc độ tăng của lương và các quyền lợi gộp khác của lãnh đạo chủ chốt (79%), thì bà Dung có thể nhận khoảng 9,3 tỷ đồng trong năm 2021.
Ngàn người nghỉ việc mỗi năm
Thường xuyên nợ người lao động hàng trăm tỷ đồng nhưng PNJ vẫn khẳng định nguồn lực là tài sản quý giá. Tuy nhiên, chính sách thu hút nhân tài của PNJ không cạnh tranh bằng lương mà cam kết lâu dài và chia sẻ thành quả.
Mức lương khởi điểm tại PNJ từ 4,750 triệu đồng, tại PNJP (công ty con của PNJ) từ 5,270 tỷ đồng.
Tại PNJ, chênh lệch giữa người lao động và lãnh đạo là rất lớn. Năm 2021, trong khi lương khởi điểm của nhân viên chưa tới 5 triệu đồng thì người quản lý có mức thu nhập trên dưới 50 triệu đồng và lãnh đạo thu gần 250 triệu đồng.
Có một điểm nhấn khác tại PNJ. Đó là hàng ngàn người nghỉ việc mỗi năm.
Cuối năm 2021, PNJ duy trì đội ngũ nhân sự khá dồi dào, lên đến 6.473 người. Thế nhưng, trong năm có tới 1.035 người nghỉ việc. Trong đó, 512 người nghỉ tự nguyện và 523 người không tự nguyện.
Trước đó, số người nghỉ việc tại PNJ cũng rất cao lên đến 1.509 người (2020), 1.489 người (năm 2019), 933 người (2018), 606 người (2017), 478 người (2016) và 395 người (2015).
Sở hữu trí tuệ
In bài viết