Phục hồi sản xuất, kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động

Do tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã lên đến mức cao nhất trong 10 năm qua và tăng mạnh ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

 

Phục hồi sản xuất, kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động - Ảnh 1
Ngành dệt may chịu tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm. Trong ảnh: Công nhân làm việc trong một xưởng may ở TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), phục hồi sản xuất, kinh doanh được triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ việc làm và chặn đà suy giảm thu nhập cho người lao động (NLÐ), tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng


Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, sáu tháng đầu năm 2020, cả nước có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương đương 17,6 triệu người. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (TCTK) Vũ Thị Thu Thủy, tính riêng quý II, lao động có việc làm giảm 2,4 triệu người so quý I và giảm gần 2,6 triệu người so cùng kỳ năm 2019. Ðây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động trong 10 năm qua. "Ðiều này cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến đa số NLÐ mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, nhất là trong tháng 4, khi áp dụng nghiêm ngặt và triệt để các biện pháp giãn cách xã hội. Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam", bà Thủy cho biết. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã khiến tình trạng lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế tăng cao gấp 1,5 lần so với quý I và cùng kỳ năm trước. Hầu hết lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ, dưới 34 tuổi.

Cũng theo TCTK, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Ðây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, thu nhập của NLÐ trong quý II sụt giảm. Tuy nhiên, mức thu nhập của NLÐ giảm không đáng kể do gần 1/3 lực lượng lao động hiện tham gia vào nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những lĩnh vực bị ảnh hưởng không đáng kể từ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành nghề hoạt động tốt ngay cả khi có dịch bệnh và tiếp tục tăng thu nhập cho NLÐ. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam sáu tháng đầu năm là 2,73%, lần lượt tăng 0,51 điểm phần trăm và 0,57 điểm phần trăm so với quý IV và cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn ở mức thấp khi so với tình trạng thất nghiệp chung toàn cầu. Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng 24% so cùng kỳ năm 2019.

Bức tranh về lao động, việc làm cũng tương đồng với tình hình đăng ký kinh doanh sáu tháng đầu năm. Theo Cục trưởng Quản lý Ðăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Anh Tuấn, tất cả các chỉ số về DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký và tổng số lao động đăng ký đều giảm tương ứng 7,3%, 22% và 21,8% so cùng kỳ. Nhưng dấu hiệu khởi sắc bắt đầu xuất hiện từ khi cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Cụ thể, trong tháng 5 và tháng 6, số lượng DN thành lập mới đã tăng trở lại ở tất cả 17 ngành nghề và bắt đầu tăng nhanh số lượng để tận dụng cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát. Riêng số DN quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm tăng 16,4% so cùng kỳ.

Cần gói hỗ trợ dài hạn

Ðại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ bùng nổ làn sóng dịch lần thứ hai. Ðiều này chắc chắn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập của NLÐ tại Việt Nam. Nhiều dự báo cho thấy, sáu tháng đầu năm chưa phải đỉnh điểm của tình trạng mất việc làm vì các DN vẫn đang duy trì đơn hàng ký từ năm 2019. Một số ngành sử dụng nhiều lao động sang quý III mới "thấm đòn" do đứt gãy hợp đồng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, khả năng chống chịu của các DN ảnh hưởng rất lớn đến việc làm và thu nhập của NLÐ trong thời gian tới.

Ðể hỗ trợ DN, NLÐ phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế, TCTK đề xuất cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.

Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh cho biết, đến cuối tháng 6-2020, cả nước mới giải ngân 11.320 tỷ đồng cho 11,2 triệu người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Như vậy số tiền giải ngân còn chậm, nhất là giải ngân cho NLÐ bị mất việc và hộ kinh doanh. Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, nhất là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, lao động không sử dụng hết tiềm năng có xu hướng gia tăng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích NLÐ học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong trạng thái "bình thường mới". Mặt khác, cần tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo và đào tạo lại NLÐ. Khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Về phía DN và NLÐ, cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.

Trước thực lực DN Việt Nam còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, ngoài cơ chế khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần bổ sung chính sách đặc biệt nhằm tái cơ cấu DN mạnh mẽ hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, tái cơ cấu đầu tư mà còn tái cơ cấu lao động, tăng sức chống chịu của cả nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cần mang tính dài hạn không chỉ cho năm 2020 mà cho một đến hai năm tiếp theo. Hiện Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế dài hơn, điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo Tô Hà/nhandan.com.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục