Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong quá trình kiểm tra thường xuyên hoạt động của VJC, Cục đã phát hiện một số người lái tàu bay của hãng có thời gian làm việc vượt quá quy định tại Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (thời gian bay lớn hơn 100 giờ trong 28 ngày liên tục).
Cục đã yêu cầu VJC xác định nguyên nhân và giải trình toàn bộ các vấn đề liên quan tới việc thời gian bay của người lái tàu bay vi phạm quy định.
Sau đó, Vietjet Air đã có công văn giải trình nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm nêu trên xuất phát từ việc chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS) nhằm đảm bảo đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nhưng chưa cập nhật kịp thời các dữ liệu liên quan tới thời gian làm việc của người lái tàu bay.
Để đảm bảo tốt nhất kế hoạch khai thác bay, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, VJC đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp nhân nhượng tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay không vượt quá 200 giờ bay trên cơ sở đánh giá rủi ro an toàn của VJC đảm bảo mức an toàn tương đương.
Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn yêu cầu nhân nhượng cho phép phi công tăng thời gian bay.
Trên cơ sở đề nghị của VJC và căn cứ vào các quy định quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, Cục đã ban hành nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027 cho phép VJC tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay không vượt quá 200 giờ bay.
Điều kiện nhân nhượng này chỉ áp dụng đối với những người lái tàu đảm bảo không vượt quá 110 giờ bay trong 28 ngày trước đó và phải đáp ứng các điều kiện: 1) trong 12 tháng liên tục vừa qua không bị dừng bay vì lý do sức khỏe; 2) trong 12 tháng liên tiếp không vi phạm an toàn đến mức phải dừng bay hoặc áp dụng chế tài (theo đánh giá rủi ro an toàn tương đương của VJC).
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục tiến hành làm rõ nguyên nhân việc VJC để một số người lái tàu bay làm việc vượt mức quy định và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tái diễn.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khai thác trong thời gian áp dụng nhân nhượng, Cục HKVN đã triển khai đội ngũ giám sát viên an toàn thực hiện giám sát chặt chẽ và liên tục toàn bộ hoạt động khai thác bay của VJC và sẽ chấm dứt thời hạn hiệu lực của nhân nhượng trong tháng 6/2019.
Trước đó, trong ngày 14-15/6 các chuyến bay của Vietjet từ các đầu sân bay Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất đến các chuyến bay quốc tế như Đài Bắc, Bangkok... đồng loạt bị huỷ khiến nhiều hành khách vật vờ chờ đợi tại sân bay.
Theo thông tin từ các đại lý vé máy bay, đã có khoảng 150 chuyến bay của Vietjet bị huỷ, chậm chuyến kéo dài tại các sân bay trên cả nước.
Quý 1/2019, Vietjet Air đội sổ về chậm chuyến bay. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam.
Trong tháng 5/2019 Vietjet Air tiếp tục đội sổ chậm chuyến bay. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam.
Cục HKVN cho biết việc cấp phiếu nhân nhượng cho Vietjet căn cứ vào các quy định quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, tại:
- Mục 4.10.3 của Phụ ước 6 Phần 1 của Công ước Chicago và phần giải thích 1.3.1 của Tài liệu hướng dẫn của ICAO 9966 quy định việc nhà chức trách khai thác tàu bay trong các trường hợp đặc biệt có thể phê chuẩn thay đổi so với quy định trên cơ sở đánh giá rủi ro đảm bảo mức an toàn tương đương của người khai thác máy bay được nhà chức trách hàng không chấp thuận.
- Chương F - Phần 1 của Bộ quy chế an toàn hàng không lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay ban hành tại Thông tư 01/2011/TT-BGTVT ngày 27-1-2011 thiết lập cơ sở pháp lý cho việc nhà chức trách hàng không (Cục HKVN) đánh giá và cấp nhân nhượng cho các trường hợp sai lệch so với tiêu chuẩn an toàn khai thác trên cơ sở đánh giá mức an toàn tương đương đối với người khai thác máy bay.
Hà Phương