Phí CDS giảm niềm tin quay trở lại

(Kinhdoanhnet) - "Hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ" (credit default swaps - CDS) được coi là thước đo rủi ro mà thị trường gán cho các tổ chức tín dụng. Việc phí bảo hiểm vỡ nợ giảm đồng nghĩa với việc lòng tin của nhà đầu tư đang trở lại với ngành ngân hàng.

Công cụ gây khủng hoảng tài chính

Công cụ CDS cùng với chứng khoán bảo đảm thế chấp (MBS) từng được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

CDS là một công cụ phái sinh, có vai trò tương tự như hợp đồng bảo hiểm. Phí CDS thường có liên hệ chặt chẽ với việc xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay. Nếu phí của CDS càng cao thì rủi ro vỡ nợ của một trái phiếu càng lớn.

Phí CDS thay đổi, lên xuống liên tục theo tâm lý nhà đầu tư và theo trạng thái hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay (hoặc bên phát hành trái phiếu) càng thấp thì mức phí bảo hiểm càng cao và ngược lại.

Tại Mỹ, tổng giá trị CDS ước tính khoảng 45,5 nghìn tỷ USD, và toàn thế giới khoảng 54.600 tỷ USD (theo ước tính của Hiệp hội chứng khoán phái sinh và hợp đồng hoán đổi quốc tế - ISDA).

Những hợp đồng CDS là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự sụp đổ của hãng bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG.

Phí CDS giảm niềm tin quay trở lại - Ảnh 1

Công ty bảo hiểm AIG đã đứng trước nguy cơ phá sản vì những hợp đồng CDS

Việt Nam trong năm 2008 cũng trải qua nhưng biến đông bất ngờ về phí của CDS.

Khi tỷ giá hối đoái tại Việt Nam biến động thất thường, phí CDS trái phiếu chính phủ là 340 điểm (tương đương phí bảo hiểm 3,4%). Con số này tăng lên mức kỷ lục 770 điểm gần với mức cao nhất của thế giới vào tháng 9/2008 do nhà đầu tư nước ngoài bán ồ ạt trái phiếu chính phủ của Việt Nam.

Với các quốc gia khác như Nhật Bản, phí CDS chỉ xoay quanh 20-30 điểm, tức là phí bảo hiểm 0,2-0,3%.

Phí bảo hiểm vỡ nợ ngân hàng đang xuống thấp

Với ý nghĩa là thước đo rủi ro mà thị trường gán cho các tổ chức tín dụng. Giá CDS này đã tăng mạnh năm 2008 và đầu năm 2009, cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều hơn để phòng trừ trường hợp các ngân hàng vỡ nợ.

Tuy nhiên Brian Monteleone - nhà phân tích tại Barclays cho biết trên Financial Times cho biết "Chúng ta đã quay về mức tiền khủng hoảng. Môi trường kinh tế đang được cải thiện đáng kể. Các chính sách điều tiết mới đã làm nhà đàu tư thêm tin tưởng các ngân hàng không phải quá phụ thuộc vào đi vay”.

Việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tung 400 tỷ euro vốn vay lãi suất cố định cũng đã làm tăng nhu cầu trái phiếu ngân hàng của nhà đầu tư. Với những thanh khoản không giới hạn ECB đã giúp cho khả năng vỡ nợ của nhà băng là cực kỳ thấp, làm cho giá CDS giảm mạnh. Tại Barclays, BNP Paribas và Société Générale, phí này xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2008.

Theo đó thì giá các hợp đồng CDS kỳ hạn 5 năm bảo hiểm cho trái phiếu các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, Wells Fargo, Citigroup and Bank of America tháng này đã xuống thấp nhất từ cuối năm 2007, Bloomberg cho biết. JPMorgan Chase là nhà băng Mỹ duy nhất có giá CDS chưa về tiền khủng hoảng. Nhưng giá này cũng đã là giá thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Tuy nhiên tại Thái Lan do tình hình chính trị bất ổn đã làm tăng phí CDS của nước này. Hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng bảo hiểm nợ của Thái Lan trong kỳ hạn 5 năm đã tăng lên 160 điểm cơ bản – cao nhất kể từ tháng 6/2012.

Lauren Van Biljon – chuyên gia phân tích tại London của Wells Fargo’s First International Advisors LLC – cho biết Wells Fargo đã bán toàn bộ các vị thế ở Thái Lan.

Tatsuya Higuchi – chuyên gia quản lý tiền tệ tại quỹ tương hỗ lớn nhất Nhật Bản Kokusai, cho biết đã giảm khối lượng nắm giữ đồng baht kể từ cuối năm ngoái bởi khủng hoảng chính trị ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng. Biện pháp hỗ trợ duy nhất trong bối cảnh hiện nay là nới lỏng tiền tệ và điều này khiến đồng baht giảm giá.

Còn ở Việt Nam hiện nay theo dữ liệu từ Bloomberg, giá hợp đồng bảo hiểm rủi ro (CDS) kỳ hạn 5 năm đối với trái phiếu chính phủ của Việt Nam ngày 21/10/2013 ở mức 250.5 điểm, tăng khoảng 25.3% so với đầu năm.

Trong bản đồ Heat Map về giá hợp đồng CDS kỳ hạn 5 năm, Việt Nam xếp thứ 49/65. Chỉ số này của các nước Đông Nam Á đang ở mức trung bình cao so với thế giới.

Xét về mức độ cải thiện so với tháng trước thì Việt Nam đứng thứ 39/65. Hiện tại rủi ro tại Indonesia đang giảm ở mức tương đối, trong khi đó Thái Lan và Malaysia mức rủi ro lại đang tăng lên. Như vậy so sánh với tháng trước cũng như vị thế tại thời điểm hiện tại, xét về mặt rủi ro tại khu vực và Việt Nam chưa thể hấp dẫn thêm dòng vốn đầu tư toàn cầu.

NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục