Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm phát triển đô thị xanh - con người xanh là việc làm đầy ý nghĩa, nhất là khi xây dựng đô thị xanh - thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt.
Dù vậy, ở nước ta, khái niệm "đô thị xanh" vẫn còn rất mới mẻ. Làm sao để phát triển công trình xanh trở thành xu thế, từ đó hình thành nên đô thị xanh, cuộc sống xanh là điều không dễ.
PGS - TS Nguyễn Hồng Thục, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư cho rằng, chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng đô thị và môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ của chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Thục, tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất. Cơ quan quản lý cần bắt buộc các nhà đầu tư phải chú trọng vào những tiện ích phục vụ người dân, tạo ra những tư duy đột phá về vành đai xanh. Bên cạnh đó, muốn phát triển công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phải hợp lý và phải có quy hoạch rõ ràng.
Tuy nhiên, theo PGS - TS Thục, cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa.
“Số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồn về đô thị nhiều, tốc độ tập trung dân cư ở thành thị tăng chóng mặt. Chúng ta trồng rất nhiều cây trên mặt đứng, dùng đến công nghệ. Thế nhưng, công nghệ xanh không ăn thua đối với Việt Nam. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người đóng vai trò lớn”, PGS - TS Thục nói.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm.
Để cải thiện chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, PGS - TS Thục cho rằng, hướng đi là cần phát triển công trình xanh. Tuy nhiên, để làm được điều này ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận của xã hội. Các nhà đầu tư hiện nay rất cần dấu ấn của xã hội. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người người hiểu về ích lợi của công trình xanh, đô thị xanh.
“Theo tôi, 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh, gồm: công trình tiết kiệm nhiên liệu, hai là không gian mở, ba là con người cần thay đổi tư duy”, PGS - TS Thục nói.
Đồng quan điểm với PGS - TS Nguyễn Hồng Thục, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0… Do đó, để một công trình xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay. Rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng để xây dựng những tòa nhà xanh – nơi mà mỗi ai đó đang sống thoải mái, hạnh phúc.
“Câu chuyện công trình xanh ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nhà đầu tư khi bán không thể tính trước được người mua là ai, người dân tộc nào, công việc là gì?… Thế nên trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa… Do đó, công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người, là bài toán của xã hội. Nhưng cần có người cầm trịch – là chính quyền đô thị”, ông Tùng nói.
Từ thực tế mà các chuyên gia đã phân tích, dưới góc độ nhà đầu tư phát triển những công trình xanh, ông Trần Như Trung – Phó tổng giám đốc Capital House chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình.
Nhưng trong quá trình phát triển chúng tôi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn. Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. Doanh nghiệp mong muốn làm công trình xanh rộng rãi hơn nữa, bởi 1 tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân”, ông Trung nói.
Hải Lan