Sàn bất động sản sẽ phải có ít nhất 2 môi giới có chứng chỉ và diện tích dưới 50m2, không có môi giới có chứng chỉ sẽ không còn "cửa" để hoạt động.
Dự thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS); hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến có nhiều quy định đáng chú ý.
Trong đó, Dự thảo Thông tư đề ra những điều kiện để thành lập sàn giao dịch bất động sản là phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS phải chứng chỉ hành nghề BĐS và đã được đào tạo về quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS.
Sàn giao dịch BĐS là doanh nghiệp hoặc là đơn vị thuộc doanh nghiệp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp để hoạt động. Trường hợp là đơn vị thuộc doanh nghiệp thì mọi hoạt động của sàn giao dịch phải chịu sự chỉ đạo của doanh nghiệp. Người đại diện cho pháp luật của sàn, của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Về cơ sở vật chất: diện tích sử dụng của sàn giao dịch phải từ 50m2 trở lên và có đủ trang thiết bị phù hợp để hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định hoạt động của sàn giao dịch BĐS phải tuân thủ 10 nội dung sau:
1. Thực hiện việc giao dịch mua bán chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS theo ủy quyền của khách hàng.
2. Tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê mua, cho thuê lại theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân sở hữu BĐS hoặc ủy quyền của chủ đầu tư các dự án BĐS.
3. Đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu BĐS hoặc khách hàng để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS.
4. Giới thiệu niêm yết thông tin về BĐS trên sàn giao dịch BĐS; quảng cáo về BĐS trên phương tiện thông tin đại chúng và tại sàn khi được chủ đầu tư, chủ sở hữu đồng ý bằng văn bản. Sàn giao dịch BĐS phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
5. BĐS khi đưa ra giới thiệu, giao dịch tại sàn giao dịch BĐS phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 6 của Luật Kinh doanh BĐS.
6. Kiểm tra giấy tờ pháp lý về BĐS, nếu đủ điều kiện giao dịch mới được thực hiện môi giới, giới thiệu cho khách hàng. Sàn giao dịch chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về tính trung thực của hồ sơ pháp lý sau khi đã kiểm tra và cung cấp cho khách hàng.
7. Thực hiện hoạt động môi giới BĐS, làm trung gian cho các bên trao đổi , đàm phán, và ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS.
8. Các hoạt động dịch vụ của sàn giao dịch BĐS phải được thực hiện thông qua hợp đồng.
9. Quyền và nghĩa vụ của sàn, của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch BĐS thực hiện theo quy định tại Điều 71, 72 và 73 của Luật Kinh doanh BĐS.
10. Cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và phải đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Về việc cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, các hiệp hội bất động sản cho rằng nên giao cho họ trách nhiệm đứng ra tổ chức kỳ thi sát hạch để cấp chứng chỉ môi giới bất động sản thay cho Bộ Xây dựng sẽ hợp lý hơn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng việc giao công việc trên cho các hiệp hội trong ngành bất động sản, có thể là hiệp hội bất động sản ở các tỉnh, thành hoặc hội môi giới BĐS, sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo ông Châu, ở các nước tiên tiến, các hiệp hội nghề nghiệp bất động sản sẽ đứng ra tổ chức các kỳ thi sát hạch này.
Cũng theo ông Châu, việc làm trên sẽ giúp tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức hiệp hội. Theo ý kiến của ông Châu, Bộ Xây dựng chỉ nên là cơ quan kiểm tra, giám sát các hiệp hội tổ chức các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ này.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cũng đồng tình với ông Châu. Theo ông Thành, hơn ai hết, các hiệp hội bất động sản sẽ có chuyên môn tốt nhất để kiểm tra, đánh giá năng lực môi giới bất động sản của người dự thi. Tuy nhiên, ông Thành cũng e ngại về đề xuất này, khi các hiệp hội bất động sản của tỉnh, thành trên cả nước có quy mô hoạt động khác nhau nên chưa chắc hiệp hội nào cũng đủ sức đứng ra tổ chức một kỳ thi.
Thực tế, ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ (CaREA), cũng tỏ vẻ e ngại khi được hỏi liệu CaREA có đủ sức tổ chức một kỳ thi cấp chứng chỉ môi giới. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng Bộ Xây dựng làm việc trên là không hợp lý mà nên giao về cho cơ quan cấp địa phương.
Cũng theo dự thảo Thông tư trên, người được đăng ký để thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản. Điều kiện học vấn trên đã giảm đi đáng kể, bởi khi lấy ý kiến cho Luật Kinh doanh bất động sản 2014 , Bộ Xây dựng đề nghị người môi giới bất động sản cần có bằng đại học.
Cũng theo dự thảo, người dự thi sát hạch đạt điểm theo yêu cầu thì được Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Bizlive, TBKTSG)