Luật Phá sản đã thông qua quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức tín dụng. Theo đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản. Tổ chức tín dụng đó có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.
Phá sản ngân hàng - nói dễ, làm khó.
Theo luật quy định thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng cũng giống các doanh nghiệp khác, phải trải qua 4 bước cơ bản: Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ và tuyên bố phá sản. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với TCTD.
Tuy nhiên điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Nếu một tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản sẽ gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới những người gửi tiền do vậy nó sẽ tác động không hề nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội của quốc gia. Vì thế, phá sản ngân hàng là lựa chọn cuối cùng, khi những nỗ lực xử lý trước đó của ngân hàng trung ương không thành công. Việc này thường không hề đơn giản, đòi hỏi phải trải qua một quy trình đặc biệt để đảm bảo được quyền lợi của người gửi, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phải được xem xét, xử lý hợp lý để tránh ảnh hưởng, tác động dây chuyền đến các tổ chức tín dụng khác, ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống tổ chức tín dụng.
Được biết luật phá sản năm 2004 cũng đã đề cập tới việc phá sản của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên chưa đề cập đến các trường hợp phá sản của ngân hàng. Vì vậy mới đây luật này đã được sửa đổi theo đó quy định chi tiết hơn về về thủ tục phá sản TCTD.
Theo đó khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì trong vòng 15 ngày, tòa án có quyền tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên sau gần 10 năm áp dụng, Luật Phá sản lại bộc lộ ra khá nhiều hạn chế. Điều này được chứng minh bằng việc trong vài năm qua, mặc dù tòa án nhận được khoảng 336 đơn xin làm thủ tục phá sản nhưng chỉ có 83 trường hợp được tòa án quyết định tuyên bố phá sản. Còn lại các tổ chức tín dụng khác lâm vào tình trạng “chết trong im lặng”. Nguyên nhân, không chỉ do sự hạn chế của hệ thống pháp luật mà còn do sự yếu kém của việc thực thi.
Sự mập mờ, thiếu minh bạch cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó cho ngân hàng phá sản. Điển hình là con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên thực tế đã lên tới một con số rất lớn trong khi đó theo như bản báo cáo của các ngân hàng thì thì nợ xấu hiện nay chưa đến 4%, tức là vẫn an toàn. Tuy nhiên theo thống kê của các tổ chức quốc tế thì nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức 14-15%. Nếu chiếu theo các con số này thì nợ xấu đang cao hơn nhiều so với tổng vốn điều lệ của các ngân hàng trên thị trường (vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại khoảng 220.000 tỷ đồng).
Nợ xấu tăng cao.
Điều này khiến cho việc phá sản ngân hàng ở Việt Nam ngày càng chồng chất khó khăn. Những ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được xử lý bằng cách NHNN bơm tiền vào để các ngân hàng này duy trì hoạt động với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém và khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Một phương pháp của các ngân hàng trung ương nữa là khuyến khích hoặc ép buộc các thương vụ mua bán sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cấu trúc các ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ diễn ra một cách chậm chạp.
T.T (tổng hợp)