Phá giá Việt Nam đồng có làm tăng xuất khẩu thời gian tới?

(Kinhdoanhnet) - Từ ngày 19/6/2014 tỷ giá đã được NHNN điểu chỉnh tăng 1% với mục đích hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng theo nhận định thì tỷ giá tăng sẽ không tác động ngay đến xuất khẩu trong thời gian tới.

Với mức điều chỉnh tăng 1% thì tỷ giá VND/USD sẽ tăng từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD. Việc tỷ giá được điều chỉnh tăng đã được dự báo từ trước vì giá của USD nhiều lần lên kịch trần tại các ngân hàng. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong gần 12 tháng qua của NHNN. Trước đó, Thống đốc NHNN cho biết nếu điều chỉnh tỷ giá thì mức tối đa trong năm 2014 sẽ là 2%, phù hợp với Nghị quyết 01/2014.

Nhận định thị trường hiện tại khi thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo (5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD), huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì việc tăng tỷ giá lần này sẽ hỗ trợ cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

Vì theo như lý thuyết tỷ giá, lạm phát, chính sách thương mại là những nhân tố tác động đến xuất nhập khẩu của một quốc gia, trong đó có thể coi tỷ giá là nhân tố chính. Khi các yếu tố khác không đổi, giảm giá đồng nội tệ sẽ làm cho hàng hóa trong nước trở nên rẻ tương đối so với hàng hóa nước ngoài, điều này sẽ khuyến khích xuất khẩu hàng hóa trong nước và hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài đưa đến xuất khẩu ròng tăng.

Hiện tại cán cân thương mại của Việt nam trong 5 tháng đầu năm thặng dư 1,6 tỷ USD. Với điều này thì Việt Nam đã đăng thặng dư thương mại hàng năm trong hai năm qua. Đóng góp 10 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay vào dự trữ quốc gia. Với tình hình trên ANZ Research hy vọng GDP quý 2 của Việt Nam sẽ tăng lên 5,2% (yoy) so với đầu năm và duy trì dự báo tăng trưởng 5,6% trong cả năm 2014.

Tuy nhiên tổ chức này cũng nhận định với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao, các doanh nghiệp phải phá sản hàng loạt, lạm phát giảm do nhu cầu trong nước giảm sẽ là những nhân tố kìm hãm hiệu quả từ chính sách trên tới hoạt động xuất khẩu.

Thực tế về những lần điều chỉnh giá trước đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không có ảnh hưởng gì nhiều khi NHNN điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá.

Phá giá Việt Nam đồng có làm tăng xuất khẩu thời gian tới? - Ảnh 1
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thô và nông sản.

Hơn nữa việc các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng nông thủy sản, sản phẩm tài nguyên, như dầu thô, cao su, may mặc, giày dép…trong cấu thành các mặt hàng xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 70% là giá trị hàng nhập khẩu. Vì thế, sẽ có hiệu ứng trung chuyển của tỷ giá vào hàng hoá được sản xuất để xuất khẩu. Nên mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến việc tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam còn có những hạn chế nhất định.

Với những hàng xuất khẩu của Việt Nam như dầu thô, hàng dệt may, thủy sản và gạo thì giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này chủ yếu dựa vào kết quả của hoạt động sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế hơn là tỷ giá hối đoái. Do vậy, việc giảm giá VND không chắc đã làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu bởi năng lực cạnh tranh chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau

Tuy vậy việc điều chỉnh tỷ giá giúp cho NHNN mua được một lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 35 tỷ USD. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp việc này sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.- Theo nhận định của  bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng nhà nước.

NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục