Song, các dữ liệu mới công bố cho thấy thương chiến không chỉ khiến Trung Quốc lao đao mà còn gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế Mỹ ông Trump đang ra sức bảo vệ.
Vài ngày sau khi các thuế suất nhập khẩu mới chính thức có hiệu lực ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ, vốn được theo dõi sát sao đã giảm từ 51,2 xuống còn 49,1, báo hiệu sự suy giảm hoạt động của các nhà máy Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: NYT
Các công ty Mỹ tham gia cuộc khảo sát của Viện quản lý cung ứng trích dẫn việc sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu là do hậu quả của tranh chấp thương mại cũng như những thách thức của việc di chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới, để tránh các đòn thuế của ông Trump.
Các trở ngại đối với lĩnh vực sản xuất nhiều khả năng sẽ tăng lên khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang cuộc đối đầu thương mại giữa họ. Ngày 1/9, ông Trump đã chính thức áp mức thuế nhập khẩu mới 15% đối với hàng loạt mặt hàng tiêu dùng xuất xứ Trung Quốc, bao gồm cả quần áo, máy cắt cỏ, máy may, thực phẩm và đồ trang sức. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng cách tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá tổng cộng 75 tỷ USD. Trung Quốc ngày 2/9 cũng thông báo đã đệ đơn kiện hàng rào thuế quan mới chống Bắc Kinh của chính quyền ông Trump lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Các thị trường ngay lập tức chao đảo trước những thông tin kinh tế thiếu tích cực cùng các lo lắng gia tăng về thương chiến. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,9%, trong đó các cổ phiếu năng lượng và công nghiệp mất giá mạnh nhất.
Giá các mặt hàng công nghiệp quan trọng cũng thấp hơn, chẳng hạn như giá của dầu thô Mỹ trong các hợp đồng có kỳ hạn giảm gần 3%. Đồng, vật liệu được coi là thước đo sức khỏe của ngành công nghiệp toàn cầu, đã giảm giá gần 1%.
Lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống còn 1,45% do các nhà đầu tư bất an tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, đẩy giá bán lên cao hơn và kéo tụt lãi suất xuống thấp hơn. Sự sụt giảm lãi suất trái phiếu trong năm nay (lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là trên 3% vào cuối năm 2018) cho thấy sự cắt giảm diện rộng những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của các nhà đầu tư.
Tổng thống Trump tiếp tục khăng khăng rằng, nỗi đau thương chiến chủ yếu giáng xuống Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Cuối tuần trước, ông tuyên bố, các công ty Mỹ sẽ rời Trung Quốc để né các đòn thuế của Washington và đây là một lợi thế đàm phán đáng kể của Mỹ. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào than vãn về khó khăn tài chính do hàng rào thuế quan chống Trung Quốc đều đang gánh hậu quả của khả năng quản lý yếu kém, chứ không phải từ chính cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Ngày 3/9, ông Trump lớn tiếng cảnh báo Bắc Kinh không nên chờ đạt thỏa thuận thương mại với một chính quyền mới của Mỹ sau tổng tuyển cử năm 2020. "Nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc nếu tôi chiến thắng. Thỏa thuận sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ sụp đổ, các doanh nghiệp, công việc, tiền bạc của họ sẽ ra đi", ông Trump nói.
Tất nhiên, các phát biểu của ông Trump là có căn cứ. Theo tờ Market Wastch, Trung Quốc đang phải hứng chịu thiệt hại lớn từ thương chiến vì nước này trước đó đã đối mặt với nhiều thách thức. Trước khi tranh chấp thương mại với Mỹ bùng nổ, Bắc Kinh chú trọng đến việc làm thế nào để chuyển đổi hiệu quả nền kinh tế từ mô hình phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ sang sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Sau hơn một năm thương chiến, tăng trưởng GDP quý II năm nay của Trung Quốc là 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này công bố số liệu hàng quý vào năm 1992. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty nước ngoài đang quay lưng với Trung Quốc khi di chuyển dần hoặc mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất cũng như phân phối ở những nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải quan tâm đến việc duy trì ổn định chính trị trong nước, trong bối cảnh đặc khu hành chính Hong Kong phải đối mặt các cuộc biểu tình suốt nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc vẫn giúp nước này nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Vì vậy, sự chững lại gần đây khó có thể bị coi là một cuộc khủng hoảng. Hơn thế nữa, việc các công ty "ngó lơ" Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi ông Trump châm ngòi nổ chiến tranh thương mại vì chi phí lao động tăng, quan ngại về nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ và các vấn đề khác.
Theo báo New York Times, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các nhóm thương mại Mỹ khẳng định họ ủng hộ mục tiêu của Tổng thống Trump trong việc thay đổi các hành vi kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh ép các công ty nước ngoài chuyển giao những công nghệ có giá trị như một điều kiện để hoạt động tại đại lục.
Song, các doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu bày tỏ quan ngại về cuộc chiến thương mại dường như chưa có hồi kết. Nhiều công ty lớn, đặc biệt là những công ty trong ngành bán lẻ và sản xuất, đã hạ thấp các dự báo về doanh thu và lợi nhuận do những đòn thuế "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau của Washington và Bắc Kinh.
Cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều bị tổn hại về chiến tranh thương mại kéo dài. Ảnh minh họa: FT
Các quan chức thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khuyến cáo, thương chiến kéo dài nhiều khả năng làm chậm quá trình phát triển kinh tế của Mỹ, kể cả tác động tiêu cực vào lĩnh vực sản xuất. Hồi tháng 7, FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Các quan chức tiết lộ, FED thậm chí đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất hơn nữa để bảo vệ nền kinh tế trước những ảnh hưởng từ việc giảm tốc tăng trưởng toàn cầu cũng như các rủi ro thương mại,
Ngay cả một số quan chức không bỏ phiếu ủng hộ việc FED cắt giảm lãi suất hồi tháng 7 như Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Boston cũng thừa nhận, các rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ đang tăng lên.
Chính quyền ông Trump đã gây áp lực với Trung Quốc suốt hơn hai năm qua nhằm đạt một thỏa thuận thương mại tăng cường việc bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ cũng như thúc đẩy việc mua các sản phẩm Mỹ với số lượng lớn hơn. Song, hai bên tiếp tục có những bất đồng nghiêm trọng, bao gồm cả việc ông Trump nên rút lại các đòn thuế nào và những thay đổi pháp lý nào Trung Quốc cần phải thực hiện để đối xử công bằng hơn với các công ty Mỹ.
Kể từ khi các cuộc đàm phán giữa hai nước bị đình trệ hồi tháng 5, ông Trump hiện thực hóa các đe dọa bằng cách đánh thuế hầu như mọi mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Hôm 1/9, Mỹ chính thức áp thuế suất nhập khẩu 15% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá gần 112 tỷ USD và dự kiến từ ngày 15/12 sẽ đánh thuế bổ sung với gần 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa, bao gồm cả điện thoại di động, máy tính xách tay, sản phẩm dệt may và đồ chơi. Ông Trump cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá tổng cộng 250 tỷ USD từ ngày 1/10.
Bắc Kinh đã thề trả đũa vào ngày 15/12 bằng hàng rào thuế quan tương tự.
Giới quan sát nhận định, mặc dù việc đạt một thỏa thuận chấm dứt thương chiến hiện có vẻ xa vời nhưng cả hai bên vẫn có thể ngăn chặn sự leo thang căng thẳng và tuyên bố "đình chiến" một lần nữa. Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về một cuộc gặp tại Washington trong tháng 9. Giới chức hai bên dự kiến cũng có các cuộc tiếp xúc bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào cuối tháng này.
Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Mỹ tin, chính phủ hai nước sẽ phải nỗ lực để khôi phục niềm tin trước khi có thể đi đến bất kỳ động thái chấm dứt chiến tranh thương mại nào, chẳng hạn như thông qua việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản Mỹ, một mục tiêu ông Trump theo đuổi từ lâu.
"Hiện có sự suy giảm niềm tin trầm trọng giữa hai chính phủ. Chúng ta cần những bước đệm để khôi phục niềm tin về mối quan hệ để cả Bắc Kinh và Washington sẵn sàng đi đến một thỏa thuận", ông Brilliant quả quyết.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet