Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) vừa công bố đã hoàn tất bán 53,8 triệu cổ phiếu ROS vào ngày 10/4. Trước giao dịch ông Quyết sở hữu hơn 291 triệu cổ phiếu ROS, tỷ lệ 51,3%; sau giao dịch ông đã giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 42,15%.
Phiên 10/4 cổ phiếu ROS cũng ghi nhận thanh khoản kỷ lục hơn 83 triệu đơn vị ở giao dịch khớp lệnh. Với thị giá cổ phiếu ROS phiên 10/4 là 4.100 đồng/cp, ước tính ông Quyết dự thu khoảng 220 tỷ đồng từ thoái vốn.
Ngay sau khi ông Quyết được Hội đồng quản trị thông qua việc miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ROS từ ngày 7/4 thì vài ngày sau ông đã lập tức thoái vốn tại ROS.
Diễn biến giá cổ phiếu ROS từ lúc lên sàn đến nay (Nguồn: TradingView)
Thời điểm cổ phiếu ROS lên sàn vào đầu tháng 9/2016 thì chỉ trong khoảng 3 tháng ông Quyết đã hai lần mua vào tổng cộng gần 110 triệu cổ phiếu nhằm nâng sở hữu từ 41,79% lên 67,34%. Trong khoảng thời gian đó cổ phiếu ROS liên tục tăng trần, gấp 8 - 9 lần giá chào sàn chỉ trong 3 tháng. Sau khi lập đỉnh vào ngày 3/11/2017 với mức giá 214.100 đồng (tương ứng với mức 178.410 đồng/cp sau khi điều chỉnh) thì cổ phiếu ROS bắt đầu lao dốc không phanh về mức giá "trà đá".
Từ đầu tháng 9 đến nay ông Quyết đã 3 lần thoái vốn tại ROS với tổng cộng gần 250 triệu cổ phiếu. Nếu đầu tháng 9/2019 giá cổ phiếu ROS là 28.000 đồng/cp thì kết phiên 16/4 ROS đã rớt về mức 4.000 đồng/cp.
Việc ông Quyết từ nhiệm vị trí Chủ tịch và thoái vốn tại ROS diễn ra sau khi CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) đồng ý sáp nhập ROS vào GAB và sẽ trình đại hội cổ đông vào phiên họp thường niên 2020.
Ngoài ra, ROS cũng vừa thông báo lùi thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và Hà Nội tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung đông người theo chỉ thị 16. Việc họp sẽ được lùi chậm nhất tới ngày 30/6 hoặc một thời hạn khác theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Theo tờ trình cổ đông, năm 2020 ROS đặt kế hoạch doanh thu 3.400 tỷ đồng, giảm 30%; mục tiêu lãi sau thuế vẻn vẹn 54 tỷ đồng tức chỉ bằng 1/3 so với so với năm 2019.
Đáng chú ý, năm 2018 và 2019 doanh nghiệp đều chỉ thực hiện được khoảng một nửa mục tiêu lợi nhuận sau thuế. Theo thống kê của người viết thì sau khi đạt đỉnh vào năm 2017 thì lợi nhuận của ROS liên tục lao dốc, thậm chí mục tiêu lợi nhuận năm 2020 còn chưa bằng 1/2 so với năm 2015.
Hoàng Kiều