Nửa tài sản của Hòa Phát nằm ở dự án KLH Gang thép Dung Quất, gần 34.300 tỷ đồng nợ đi vay hết quý II

Tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ đi vay của Hoà Phát là 34.268 tỷ đồng, tăng hơn 9.960 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Hoà Phát đã rót gần 43.000 tỷ vào dự án KLH Dung Quất

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán.

Tại ngày 30/6 tổng tài sản của Tập đoàn đạt 93.019 tỷ đồng, tăng mạnh 14.796 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó tài sản dở dang dài hạn chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang đã chiếm tới ½ tổng tài sản.

Nửa tài sản của Hòa Phát nằm ở dự án KLH Gang thép Dung Quất, gần 34.300 tỷ đồng nợ đi vay hết quý II - Ảnh 1
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019

Hết quý II, chi phí xây dựng dở dang ở dự án Khu liên hợp (KLH) Gang thép Dung Quất là gần 42.920 tỷ đồng, tăng hơn 9.160 tỷ đồng so với đầu năm.

Hòa Phát cho biết đối với dự án KLH Gang thép Dung Quất, đến hết ngày 30/6 về cơ bản giai đoạn 1 đi vào công đoạn cuối cùng, đầu tháng 7 bắt đầu thử nguội và thứ nóng dây chuyền đồng bộ lò cao, luyện thép và cán thép. Tiến độ của khu Dung Quất hiện đang đạt kế hoạch đặt ra, dự kiến tháng 3/2020, Tập đoàn sẽ ra thép cán nóng.

Nửa tài sản của Hòa Phát nằm ở dự án KLH Gang thép Dung Quất, gần 34.300 tỷ đồng nợ đi vay hết quý II - Ảnh 2
Dự án Khu liên hợp Dung Quất (Ảnh: Hòa Phát)

Tháng 2/2017, Tập đoàn đã thành lập CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, triển khai KLH sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi, quy mô 4 triệu tấn thép dài và thép dẹt/năm với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án trọng điểm của Tập đoàn trong năm 2019 và những năm tới.

Bên cạnh đó, Hòa Phát đã rót hơn 2.581 tỷ đồng vào dự án nhà máy tôn mạ màu cùng 310 tỷ đồng vào dự án nông nghiệp.

Những sản phẩm tôn mạ màu Hòa Phát đầu tiên đã chính thức ra mắt trên thị trường từ cuối tháng 4/2018. Tôn Hòa Phát hướng tới xuất khẩu khoảng 40% sản lượng ra các thị trường quốc tế. Với công suất 400.000 tấn/năm, nhà máy tôn Hòa Phát là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát trong lộ trình thực hiện mục tiêu lọt vào Top 5 nhà sản xuất tôn lớn nhất Việt Nam vào năm 2020.

Về mảng nông nghiệp thì Tập đoàn bắt đầu bước chân vào mảng này từ tháng 3/2015.  Tháng 2/2016 Tập đoàn đã thành lập CTCP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát quản lý, chi phối hoạt động của tất cả các Công ty trong lĩnh vực nông nghiệp gồm thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi.

Năm 2018, mảng nông nghiệp đóng góp 8% doanh thu cho Hòa Phát và 2% lợi nhuận cho Tập đoàn. Hết năm 2018, Tập đoàn đang giữ thị phần số 1 về cung cấp bò Úc và có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, Đồng Nai.

Đẩy mạnh vay nợ nửa đầu năm 2019

Tại ngày 30/6, hàng tồn kho của Hòa Phát là 15.391 tỷ đồng và đã được trích lập 51 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn.

Tổng nợ đi vay của Tập đoàn tại ngày 30/6 là 34.268 tỷ đồng, tăng hơn 9.960 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Việc đẩy mạnh vay nợ, đặc biệt là nợ dài hạn khiến chi phí lãi vay của Hòa Phát tăng mạnh. Tính riêng trong quý II, Tập đoàn đã phải chi tới hơn 215 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2018.

Hết quý II, Hòa Phát có tổng cộng 8.507 tỷ đồng tiền, tương đương tiền cùng tiền gửi có kỳ hạn.

Trước đó, Tập đoàn đã công bố kết quả kinh doanh quý II với 15.097 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% còn 2.050 tỷ đồng.

Nửa tài sản của Hòa Phát nằm ở dự án KLH Gang thép Dung Quất, gần 34.300 tỷ đồng nợ đi vay hết quý II - Ảnh 3
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận theo bộ phận của Tập đoàn quý II chưa tính các khoản loại trừ (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)

Theo báo cáo bộ phận thì mảng thép vẫn là chủ lực. Trong quý II, mảng bất động sản mang về 197 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn bên cạnh mảng nông nghiệp chỉ đóng góp 16,5 tỷ lợi nhuận.

6 tháng đầu năm, Tập đoàn đạt 30.061 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 13% còn 3.860 tỷ đồng. Nửa năm, Tập đoàn đã đạt 58% mục tiêu lợi nhuận năm. 

Theo lãnh đạo Tập đoàn: “Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước".

“Vừa rồi nếu giá quặng không tăng thì kết quả kinh doanh của Hòa Phát còn cao nữa, tuy nhiên với giá quặng như vậy thì kết quả trên là tốt. 6 tháng cuối năm có thể vẫn khó khăn do thị trường bất động sản đang chậm lại. Dù vậy, nếu không có gì biến động lớn, Hòa Phát tự tin sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019”, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vừa qua. 

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục