Novaland bác thông tin ông Bùi Thành Nhơn từ nhiệm

Tập đoàn Novaland nói thông tin ông Bùi Thành Nhơn xin thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị là bịa đặt, gây hiểu lầm cho cổ đông, khách hàng.

Ngày 14/1, trên phương tiện truyền thông đăng tải thông tin việc ông Bùi Thành Nhơn có đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, đồng thời từ nhiệm khỏi HĐQT tập đoàn từ 20/1.

Tuy nhiên, Novaland khẳng định đây là thông tin bịa đặt, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư cũng như gây xôn xao dư luận.

Novaland bác thông tin ông Bùi Thành Nhơn từ nhiệm.
Novaland bác thông tin ông Bùi Thành Nhơn từ nhiệm.

Doanh nghiệp này cho biết thêm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và không có bất kỳ sự xáo trộn nào trong đội ngũ ban lãnh đạo.

"Ông Bùi Thành Nhơn vẫn đang đảm nhiệm vị trí, trực tiếp chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động của NVL", thông báo nêu, thêm rằng Novaland đang nỗ lực thực hiện các cam kết để đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.

Trong ngày 14/1, cổ phiếu Novaland xuống thấp lịch sử và bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM cho vào danh sách không cấp margin.

Cổ phiếu NVL giảm liên tục từ phiên 9/1 tới nay. Thị giá đóng cửa ngày 14/1 là 8.950 đồng một đơn vị, thủng mệnh giá và là mức thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này từ khi lên sàn vào cuối năm 2016. Vốn hóa thị trường cũng bị kéo về khoảng 17.453 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu Novaland đã giảm gần 47%. Nếu so với kỷ lục 92.366 đồng từng thiết lập vào cuối tháng 6/2021, thị giá đã bốc hơi hơn 90%.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất quý 3/2024 cho thấy, từ đầu năm 2024, Novaland vay mới 3.003 tỷ đồng, nhưng chỉ trả nợ gốc gần 1.200 tỷ đồng. Tốc độ vay vốn của tập đoàn đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn 2020-2022, thời điểm tập đoàn này huy động hơn 81.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô tài sản.

Hiện tại, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của Novaland gặp nhiều trở ngại do tình hình kinh doanh sa sút và một số dự án lớn bị vướng mắc pháp lý. Năm 2023, tập đoàn chỉ đạt lợi nhuận sau thuế chưa đầy 500 tỷ đồng, chủ yếu từ doanh thu tài chính, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng âm. Đến 9 tháng năm 2024, Novaland lỗ ròng gần 4.000 tỷ đồng, cho thấy tình hình tài chính ngày càng bi đát.

Cùng với đó, 91% tổng tài sản của Novaland (tương đương 212.000 tỷ đồng) bị mắc kẹt trong hàng tồn kho và các khoản phải thu, phản ánh sự mất cân đối nghiêm trọng trong phân bổ tài sản. Điều này xuất phát từ giai đoạn mở rộng quá mức trước đây, khi tập đoàn liên tục vay vốn để phát triển các dự án quy mô lớn.

Cú rơi mạnh của cổ phiếu NVL, từ mức 80.000 đồng vào giai đoạn đỉnh cao xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng hiện tại, không chỉ làm giảm giá trị tài sản thế chấp mà còn khiến các khoản vay tái cơ cấu trở nên khó khăn hơn.

PV (t/h)

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục