Lợi dụng những vùng nông thôn hẻo lánh, trình độ hiểu biết của nông dân ít, nhiều kẻ đã đưa cây cần sa về và nhân giống nhanh chóng. Bằng thủ thuật gạ gẫm: “Đây là thần dược phòng bách bệnh cho gia súc, gia cầm. Hơn nữa, chỉ cần cho chúng ăn lá, hạt của cây này, đảm bảo heo sẽ nhanh lớn gấp 3 lần bình thường, ít bị bệnh và còn nạc thịt...”, hàng ngàn cây cần sa đã được trồng trong vườn của nhiều hộ ở miền Tây (Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ…)
Là một trong những hộ chăn nuôi nhiều, ông Lê Văn Thu (ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã tin lời quảng cáo mà đem thần dược vê trồng. Chỉ trong vòng 1 tháng, ông Thu có đến 26 cây cần sa lớn và 66 cây con mới ươm giống. Nhìn thấy cây lạ, vợ ông đã nhiều lần hỏi han.
Tuy nhiên, chính bản thân ông Thu cũng không biết tên loài cây “thần dược tăng trọng” này. Điều duy nhất ông biết và quảng bá cho hàng xóm, bạn bè là thuốc chữa bách bệnh, trồng được trong vườn, tiết kiệm nhiều đợt chi tiêu.
Ban đầu, chỉ với 10 hạt giống xin được, ông Thu nhanh chóng có 1 vườn cây cần sa trồng trong vườn nhà. Điều đáng nói, chỉ riêng năm 2010, trên địa bàn Vĩnh Long đã phát hiện 40 vụ trồng với gần 4.000 cây cần sa, hơn 3kg cần sa khô, 160kg cần sa tươi. Hầu hết những hộ dân trồng cần sa đều không biết đó là cây cấm trồng.
Tương tự, mới đây, tại Hậu Giang, cơ quan chức năng phát hiện hàng ngàn cây cần sa được trồng trong vườn và ươm giống. Những hộ dân trồng chủ yếu là những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Nguyễn Văn Đằng (ngụ xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) – một trong những hộ dân chăn nuôi heo lớn, cũng có hơn 50 cây cần sa trong vườn.
Được bạn giới thiệu loài cây có lá xanh tốt này là thức ăn tăng trọng hiệu quả cho heo, anh Đằng đã xin giống về trồng. Khi cây lớn, anh hái lá ném cho lợn ăn sống hoặc băm lên nấu cám.
Nhiều hộ dân trồng cần sa để tăng trọng cho heo.
“Từ ngày cho bọn heo trong chuồng ăn, chúng ngủ khỏe, hồng hào hẳn lên. Một trang trại heo nên lá cây trong vườn không đủ, tôi còn phải đi mua thêm lá về cho heo ăn” anh Đằng bộc bạch.
Tuy nhiên, giá của lá thần dược này ngày càng đắt, ban đầu chỉ 50.000 đồng/ 10 kg, sau đó tăng lên 70.000 đồng, 80.000 đồng… Tiếc tiền, anh Đằng mua hơn 200 cây giống về chuẩn bị trồng thì bị cơ quan chức năng thu giữ.
Nhìn các cán bộ chặt phá, tiêu hủy số cây trồng anh vất vả chăm sóc, anh còn lao vào can ngăn. Đến khi biết đó là cây cần sa – 1 loại cây thuốc phiện, cấm trồng, anh mới giật mình tá hỏa: “Tôi không biết đó là cây cấm trồng, nếu không tôi đâu dám”…
Tương tự như vậy, trên địa bàn Cần Thơ, An Giang, nhiều hộ dân cũng nhẹ dạ tin vào khả năng phòng ngừa bệnh và tăng trọng cho heo của cây cần sa nên diện tích trồng cần sa tăng vọt.
Điều đáng nói là, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của cần sa trong việc tăng trọng, phòng ngừa bệnh cho gia súc. Hơn nữa, cho gia súc, gia cầm ăn cần sa trong một thời gian dài rất dễ dẫn đến những chất tồn dư trong thịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.
Mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tuyên truyền đến người dân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, trục lợi.
Cần sa là một loại cây nhỏ có tên khoa học là Connabis sativạ Phần lá và hoa của nó được phơi khô để hút hay nhai, có thể làm cho say sưa, quên thực tại. Cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi, khiến ho nhiều có đàm, dễ bị sưng phổi.
Trong cần sa cũng có những hóa chất có thể gây ung thư phổi như trong thuốc lá. Vài nghiên cứu khác cho biết cần sa có thể đưa đến ung thư cổ và đầu. Một vài nghiên cứu cho hay trong cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới năm, sáu chục phần trăm. Ngoài ra cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi.
Thí nghiệm ở chuột thấy cần sa làm chết tế bào thần kinh nhất là vùng năo có trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn, có thể đưa tới bệnh tâm thần, giảm động lực, kém nhanh nhẹn.
Ảnh hưởng của cần sa vào người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh mạch máu năo rất đáng quan tâm. Cần sa làm tăng nhịp tim đập, tăng máu rời khỏi tim, thay đổi huyết áp, giảm dưỡng khí cho mạch máu tim, tất cả đều đưa tới hậu quả không tốt. |
Đức Hoan