Từ 1/7/2026: Bỏ hoàn toàn thuế khoán với hộ kinh doanh, cá nhân

Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân đưa ra những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Ngày 15/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến thành thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết này.

Bỏ thuế khoán từ 1/7/2026

Theo dự thảo Nghị quyết, nhằm gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho kinh tế tư nhân phát triển, một số chính sách, giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích, thúc đẩy cho hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Cụ thể, chấm dứt hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Đồng thời, chấm dứt việc thu lệ phí môn bài từ 1/1/2026.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bên cạnh đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập kể từ thời điểm được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Ngoài ra, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo...

Miễn thuế thu nhập cá nhân 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển...

Nghiêm cấm việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra

Trước đó, ngày 14/5 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cũng đã trình bày một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết này là nhóm nguyên tắc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh.

Cụ thể, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ không bị thanh tra, kiểm tra quá một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Những hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm.

Dự thảo cũng ưu tiên hình thức thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, hạn chế kiểm tra trực tiếp.

Doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực tế. Hoạt động quản lý điều kiện kinh doanh cũng sẽ chuyển dần từ cấp phép, chứng nhận sang hình thức công bố và hậu kiểm, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù vẫn buộc phải cấp phép theo luật và thông lệ quốc tế.

Các quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đồng thời chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.

Những hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm
Những hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm

Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra nguyên tắc phân định rõ ràng giữa trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính và dân sự; đồng thời phân biệt giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Theo đó, đối với các vụ việc vi phạm mang tính chất dân sự, kinh tế, hành chính sẽ ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý dân sự, kinh tế trước. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân vi phạm sẽ được tạo điều kiện để chủ động khắc phục hậu quả. Trường hợp thực tiễn cho thấy có thể không cần xử lý hình sự thì không áp dụng biện pháp hình sự.

Đối với những hành vi vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc khắc phục hậu quả về kinh tế một cách chủ động, kịp thời và toàn diện sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và quyết định hình thức xử lý phù hợp.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, không được áp dụng hồi tố pháp luật theo hướng bất lợi đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh.

Trường hợp các vụ việc chưa đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ rõ ràng thì cần kết luận sớm theo quy định pháp luật về tố tụng và công bố công khai kết luận này.

Việc điều tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội, đúng thẩm quyền và đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Hoàng Minh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục