Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa chốt số liệu kinh doanh cơ bản, chuẩn bị cho hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015. Nổi bật nhất trong năm qua tại ngân hàng này là kết quả thu hồi nợ xấu.
Cuối quý 2/2014, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã chính thức vượt mốc 3%, chiếm 3,09% tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong quý 3 và 4/2014, tỷ lệ này giảm nhanh, cùng với việc thu hồi nợ xấu và trích lập dự phòng đạt mức cao.
Theo báo cáo sơ bộ, chốt số liệu cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm mạnh về mức dưới 2,3%. Đặc biệt, số dư quỹ dự phòng rủi ro đã gần tương đương với tổng số dư nợ xấu.
Một trong những yếu tố để có tốc độ giảm nhanh nói trên là kết quả thu hồi nợ xấu "hết sức ấn tượng" - theo đánh giá trong báo cáo sơ bộ. Cụ thể, tổng số nợ ngoại bảng Vietcombank thu hồi được trong năm 2014 lên tới trên 1.800 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi năm 2013, và cũng là kỷ lục từ trước tới nay.
Cùng với hướng phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung có chuyển biến, cùng chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn kịp thời là cơ sở để Vietcombank xử lý nợ tốt hơn.
Bản thân công tác xử lý nợ của ngân hàng này cũng có nhiều thay đổi căn bản, sau khi ông Nghiêm Xuân Thành, một chuyên gia xử lý nợ và quản lý rủi ro, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ tháng 8/2013. Ngay trong năm 2013, kết quả thu hồi nợ xấu của Vietcombank cũng đã đột biến so với những năm trước, đạt gần 800 tỷ đồng.
Việc xử lý nợ của Vietcombank đã được tập trung và vào cuộc trực tiếp từ hội sở chính, thay vì chủ yếu phụ thuộc vào kết quả xử lý của các đơn vị trực tiếp tại các địa bàn.
Kết quả thu hồi nợ xấu cao cũng góp phần giúp Vietcombank đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2014.
Lợi nhuận trước dự phòng tăng 12,4% so với năm 2013. Tốc độ này giúp ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tới 4.535 tỷ đồng, tăng 29,2% so với số trích lập của năm 2013 và vẫn đảm bảo lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 5.680 tỷ đồng, cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.
Các hệ số an toàn, hiệu quả hoạt động của Vietcombank trong năm 2014 tiếp tục cải thiện, như ROE đạt khoảng 10,5%, ROA đạt khoảng 0,9%, hệ số chi phí quản lý/tổng thu nhập khoảng 39%, hệ số an toàn vốn CAR đạt khoảng 12%.
Và đặc biệt, đây là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên đạt được tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu trên 30%, đạt 31%.
Ngoài kỷ lục thu hồi nợ xấu, khác biệt trong năm 2014 tại Vietcombank cũng thể hiện rõ khi tăng trưởng tín dụng bật ngay từ những tháng đầu năm và chốt sổ ở mức cao. Nửa đầu 2013, ngân hàng này chật vật với tín dụng tăng trưởng âm. Năm 2014, tăng trưởng tín dụng đạt tới 18%, cao hơn mục tiêu 15% đưa ra đầu năm.
Ngoài ra, theo báo cáo sơ bộ, Vietcombank cũng đã sẵn có khoảng 5% tăng trưởng tín dụng cho năm tới, theo tính toán dư nợ sẽ giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký.
Trong năm 2014, Vietcombank là ngân hàng thương mại liên tục chủ động giảm lãi suất huy động, cũng như áp mặt bằng thấp nhất trên thị trường. Điều này được giải thích là điều kiện cần thiết để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động vốn lại rất cao, đạt khoảng 26% so với năm 2013.
Điểm đáng chú ý là tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn chiếm tới khoảng 24% cơ cấu vốn huy động của Vietcombank. Nguồn vốn lãi suất thấp này cũng là một cơ sở để giảm và cạnh tranh lãi suất cho vay. Năm 2014, ngân hàng đã tiếp cận được các tổ chức lớn để thu hút được nguồn tiền gửi này.
Mặt khác, các tốc độ tăng trưởng trên còn có nhân tố mới là 10 chi nhánh mới được đưa vào hoạt động trong năm qua. Theo báo cáo, các chi nhánh mới bước đầu hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều chi nhánh đã đạt quy mô nghìn tỷ chỉ sau 8 tháng hoạt động.
Trong năm 2014, cơ cấu lãnh đạo cao cấp của Vietcombank tiếp tục có thay đổi: ông Nghiêm Xuân Thành được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Phạm Quang Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Cũng trong năm 2014, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank đã tăng khá ấn tượng với 37%, chốt năm với mức 31.900 đồng/cổ phiếu - cao nhất trong khối ngân hàng đã niêm yết.
Theo VnEconomy