Phủ nhận tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng
Lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) vừa có buổi đối thoại trực tuyến với cổ đông và báo giới nhằm giải đáp một số thắc mắc về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty này trong năm 2022 cũng như thông tin về kế hoạch năm 2023.
Trong đó, đáng chú ý nhất, lãnh đạo Coteccons phủ nhận tin đồn con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng. Chủ tịch Bolat Duisenov cũng đã đề cập đến các dự án của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát mà Coteccons từng tham gia thi công. Theo ông Bolat, Tân Hoàng Minh vốn là một khách hàng lớn của Coteccons, nhưng vì biến cố bất ngờ, Coteccons đang phải trích lập dự phòng 480 tỷ đồng cho các dự án của công ty này.
Với Vạn Thịnh Phát, trước kia, Coteccons từng được giao dự án IFC Sai Gon One Tower. Coteccons đã khởi công nhưng sau đó xảy ra bất đồng với chủ đầu tư trong cách làm việc nên đã rút khỏi dự án. Chi phí bỏ ra trong dự án này được nói là “rất tối thiểu”.
Hiện tại, Coteccons chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 nên chưa rõ tình hình nợ xấu của công ty thế nào, chỉ biết tại ngày 30/9/2022, nợ xấu tại Coteccons lên đến 1.146 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt) là “con nợ” lớn nhất với gần 484 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt với 122 tỷ đồng. Coteccons đã phải trích lập dự phòng toàn bộ 484 tỷ đồng và 122 tỷ đồng cho khoản phải thu này. 540 tỷ đồng còn lại thuộc về các khách hàng khác. Hồi cuối quý 3/2022, Coteccons dành 961 tỷ đồng trích lập dự phòng cho tổng nợ xấu 1.146 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Coteccons dành 907 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Tại ngày 30/9/2022, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 9.113 tỷ đồng. Phải thu tại Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Công ty Nam Hội An) lên đến 928 tỷ đồng.
Chồng chất những rắc rối, rủi ro
Ngôi Sao Việt thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh - tâm điểm của những sai phạm liên quan đến trái phiếu. Vì vậy, tình hình tại Ngôi Sao Việt hiện đang rất khó khăn, chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Với việc trích lập 100% nợ xấu tại Ngôi Sao Việt, Coteccons đã coi đây là khoản nợ có rủi ro rất cao.
Trước khi xảy ra “cơn địa chấn” mang tên trái phiếu, Ngôi Sao Việt đã có bức tranh tài chính tăm tối. Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2017-2021), 2019 là năm duy nhất Ngôi Sao Việt có lãi với khoản lãi 272 tỷ đồng. Các năm còn lại, công ty lỗ thảm, lỗ 4,3 tỷ đồng (năm 2017), lỗ 10 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 1.004 tỷ đồng (năm 2020) và 401 tỷ đồng (năm 2021).
Cùng với thua lỗ thảm, Ngôi Sao Việt còn rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Hồi cuối năm 2021, nợ phải trả của công ty lên đến 5.709 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,6% tổng nguồn vốn công ty. Đây là những yếu tố có thể mang đến rủi ro vô cùng lớn đối với “chủ nợ”.
Tuy nhiên, nợ xấu tại Ngôi Sao Việt chưa hẳn “căng thẳng” nhất với Coteccons vì giá trị “chỉ” là 484 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản phải thu tại Nam Hội An cao hơn rất nhiều, lên đến 928 tỷ đồng. Cụ thể, công ty Nam Hội An thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng và âm vốn hàng trăm tỷ đồng.
Nam Hội An thành lập ngày 10/12/2010 tại thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với ngành nghề kinh doanh chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Nam Hội An là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, Nam Hội An có tới 3 năm không phát sinh doanh thu. Phải tới 2020 và 2021, công ty mới thu được 111 tỷ đồng và 274 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu càng lớn, công ty thua lỗ càng thê thảm.
Suốt 5 năm qua, các khoản lỗ tại Nam Hội An tăng nhanh dần đều, lần lượt là lỗ 114 tỷ đồng (năm 2017), 381 tỷ đồng (năm 2018), 471 tỷ đồng (năm 2019), 1.971 tỷ đồng (năm 2020) và 2.207 tỷ đồng (năm 2021).
Kết quả là, tại ngày 31/12/2021, công ty âm vốn chủ sở hữu 802 tỷ đồng. Khả năng thu được nợ của Coteccons càng thấp khi Nam Hội An sở hữu “núi nợ” khổng lồ, lên đến 24.423 tỷ đồng (khoảng 1,04 tỷ USD).