Nếu như tại thời điểm cuối năm 2014, con số nợ xấu của ngân hàng này chỉ ở mức 2,75% giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013 (4,8%) thì trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, nợ xấu tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) lại có xu hướng tăng lên ở mức 3%. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Trong vòng 5 tháng đầu năm, ngân hàng này cũng đã tự xử lý được khoảng 258 tỷ đồng dư nợ xấu.
Tính đến 30/5/2015, tổng tài sản của ABBank đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên dư nợ tín dụng của ngân hàng này chỉ đạt 24.260 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014, huy động 40.949 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Nợ xấu tại ABBank lại có xu hướng tăng trở lại.
Theo kế hoạch đề ra, ABBank phấn đấu năm 2015 với tổng tài sản tăng 6% so với năm 2014, đạt 71.104 tỷ đồng, huy động thị trường 1 tăng 2,4%, đạt 46.500 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 tăng 10%, đạt 2.570 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng này đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng “khủng” tới 125% và đạt 300 tỷ đồng.
Nói về vấn đề sáp nhập, tái cơ cấu ngân hàng, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, song song với công tác tự tái cấu trúc ABBank đã và đang thực hiện từ năm 2012, năm 2015 ABBank cũng chủ động chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực và nền tảng để thực hiện hợp nhất/sáp nhập với tổ chức tín dụng nhằm mục đích tăng quy mô, thị phần, sức mạnh tài chính, khả năng cạnh tranh và giá trị. Nhưng nhà băng này lại không hề công bố đối tác sáp nhập là ai.
Đồng thời vị lãnh đạo này còn cho biết thêm: “Nếu thực hiện sáp nhập, ngân hàng sẽ chọn tổ chức có lợi cho hai bên, hiện tại ABBank vẫn chấp hành theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không tìm được tổ chức lành mạnh để hoạt động hiệu quả hơn, ABBank vẫn có thể đi một mình.”
Hoàng anh (Th theo Bizlive; Vneconomy; ĐTTC)