Theo như số liệu mà Ngân hàng Nhà nước tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, hiện nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức khá cao lên tới 3,49%. Trong khi trước đó vào cuối năm 2014, con số này mới chỉ là 3,25%. Như vậy có thể thấy rằng nợ xấu đang bắt đầu tăng trở lại và đang là vấn đề đáng quan ngại.
Theo báo cáo tài chính cho thấy tỷ lệ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều tăng khá mạnh trong quý đầu năm 2015. Ví dụ như kết thúc quý I/2015, nợ xấu của BIDV là 2,3% cao hơn mức 2,03% đầu năm. Hay một ngân hàng được đánh giá cao như Vietcombank cũng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 2,67%, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết.
Nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng trong quý II?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng con số này sẽ không chỉ dừng lại tại đây, nó sẽ còn có thể phình to hơn trong quý II này khi Quyết định 780 về cơ cấu nợ đã hết hiệu lực từ ngày 1/4/2015 làm cho nợ xấu sẽ được phân loại lại theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN. Lúc đó, sẽ có nhiều khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3, 4 hoặc 5).
Bên cạnh đó một số lĩnh vực chủ chốt như xây dựng, bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh do đó có thể làm phát sinh thêm nợ xấu.
Để tăng cường xử lý nợ xấu, hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết liệt đốc thúc các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC hoặc tích cực trong việc tự xử lý nợ xấu. Cách làm này có thể làm con số tỷ lệ nợ xấu được trung hòa và không tăng nhiều.
Nếu tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động (cuối năm 2013) đến nay, công ty này đã mua được trên 152 nghìn tỷ đồng nợ xấu giá gốc với giá mua là trên 120 nghìn tỷ đồng. Còn nếu tính riêng từ đầu năm đến nay, VAMC đã duyệt mua 17,4 nghìn tỷ nợ gốc với giá mua 16,1 nghìn tỷ đồng, ký hợp đồng phát hành trái phiếu đặc biệt gần 10 nghìn tỷ đồng. Hiện cơ quan này đang phấn đấu sẽ mua được trên 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ 60% tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo đúng kế hoạch và góp phần đảm bảo đưa nợ xấu của toàn hệ thống về mức 3%.
Hoàng anh (TH theo TBKTSG; DĐDN; Hải Quan)