Lừa đảo ‘coin giả’: Từ trong nước ra quốc tế
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain và tiền mã hóa đã mở ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư mong muốn kiếm lợi nhuận từ xu hướng tài chính mới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng hấp dẫn, lĩnh vực này đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Từ việc mạo danh các sàn giao dịch lớn, phát hành tiền ảo giả đến hứa hẹn lợi nhuận "khủng", hàng loạt người dân đã trở thành nạn nhân trong cuộc săn mồi của các tổ chức lừa đảo. Những câu chuyện mất tiền oan vì thiếu kiến thức hoặc tin vào lời hứa ngọt ngào đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại này.
Điển hình là vụ việc Công ty Cổ phần Triệu Nụ Cười tại TP. HCM phát hành đồng tiền mã hóa giả mang tên QFS. Đồng tiền này được quảng cáo là "tiền lượng tử", được 48 quốc gia công nhận và bảo chứng bởi di sản quốc gia. Để tham gia vào hệ sinh thái của QFS, cá nhân cần bỏ ra từ 4-5 triệu đồng để sở hữu một đồng, trong khi các doanh nghiệp phải chi đến 39 triệu đồng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra từ cơ quan chức năng cho thấy toàn bộ thông tin này đều không đúng sự thật, được truyền tải tới người dân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Đồng QFS chỉ là một trong số những đồng tiền kỹ thuật số giả mạo được dựng lên để che mắt và lừa đảo nhà đầu tư. Tại Đồng Nai mới đây, một nhóm đối tượng đã bị bắt vì phát hành đồng tiền giả mang tên "Bincoin", đồng thời xây dựng mô hình đa cấp để dụ dỗ nhà đầu tư tham gia.
Để thực hiện lừa đảo huy động vốn, các đối tượng đã lập trang website địa chỉ là https://bitminer.lol, đăng ký tên miền tại Singapore, viết bài giới thiệu và cắm mốc vị trí công ty trên google maps tại Dubai (các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) để lừa người chơi là dự án tiền ảo của tổ chức đầu tư nước ngoài, khả năng sinh lợi cao, dễ thu hồi vốn. Khi bị triệt phá, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng của hơn 200 nạn nhân.
Với muôn hình vạn trạng các chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo, nhà đầu tư Việt không phải là những con mồi duy nhất mà ngay cả ở các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… cũng không tránh khỏi. Tại Mỹ, nơi mà thị trường tiền kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, Trung tâm Khiếu nại tội phạm internet (IC3) của FBI cho biết tính riêng trong năm 2023 đã nhận được gần 70.000 khiếu nại về các vụ lừa đảo tài chính và tội phạm mạng liên quan đến tiền ảo, với tổng thiệt hại lên đến hơn 5,6 tỷ USD.
Tại Hàn Quốc, trong tháng 11 vừa qua, cơ quan cảnh sát đã bắt giữ 215 người bị nghi đánh cắp 320 tỷ won (228,4 triệu USD) trong vụ lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số lớn nhất tại nước này. Theo đó, các đối tượng này đã phát hành 6 trong số 28 tài sản mã hóa trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số ở nước ngoài và đang quản lý một nhóm nhà tạo lập thị trường để đẩy giá lên. Cảnh sát khẳng định các tài sản mã hóa này là "vô giá trị".
Hệ lụy nặng nề
Các vụ lừa đảo tiền mã hóa không chỉ khiến nhà đầu tư mất trắng tài sản mà còn gây ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng. Trước hết, về mặt tài chính, hàng ngàn người đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi tham gia các dự án lừa đảo. Với tâm lý "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận nhanh, nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại rót toàn bộ số tiền tiết kiệm hoặc vay mượn từ người thân để tham gia. Kết quả là họ không chỉ mất vốn mà còn phải đối mặt với áp lực trả nợ, dẫn đến khủng hoảng tài chính cá nhân.
Đáng chú ý, tác động của các vụ lừa đảo này không chỉ giới hạn ở tài chính mà còn lan rộng ra các mối quan hệ xã hội. Nhiều nhà đầu tư đã lôi kéo bạn bè, người thân tham gia các dự án này, gây ra những mâu thuẫn, xung đột khi sự thật bị phơi bày. Một số trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến tan vỡ gia đình, hoặc khiến nạn nhân rơi vào những tình trạng bất ổn về tâm lý.
Bên cạnh đó, những chiêu trò lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào thị trường tiền mã hóa nói chung. Các nhà đầu tư chân chính trở nên e dè hơn khi tiếp cận với kênh tài sản số, tạo ra một vòng luẩn quẩn, kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Tại Việt Nam, vấn đề lừa đảo “coin giả” càng trở nên phức tạp khi thị trường tiền mã hóa chưa có khung pháp lý rõ ràng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng chính sự thiếu vắng các quy định cụ thể đã tạo điều kiện cho các tổ chức lừa đảo hoạt động. Chia sẻ tại một diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI lấy dẫn chứng từ Forbes cho hay, người Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tài sản số, đồng thời cho biết, các sàn giao dịch lớn nhất trên thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong bốn thị trường sôi động nhất về giao dịch tài sản số.
“Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có được khung pháp lý rõ ràng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể yên tâm, tạo điều kiện phát triển, đồng thời tránh nhóm xấu lừa đảo trên không gian mạng”, Chủ tịch SSI đặt vấn đề.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng là điều cần thiết để ngăn chặn các hoạt động lừa đảo. Đồng thời, nhận thức của nhà đầu tư cũng cần được nâng cao. Các chuyên gia khuyến cáo rằng trước khi tham gia vào bất kỳ dự án tiền mã hóa nào, nhà đầu tư nên kiểm tra kỹ thông tin về dự án, tránh tâm lý "hám lợi" trước những lời mời gọi lợi nhuận cao bất thường.
Nhìn rộng hơn, vấn đề này không chỉ đặt ra bài toán về pháp lý mà còn là câu chuyện về giáo dục tài chính. Nhà đầu tư cần trang bị kiến thức cơ bản về blockchain, tiền mã hóa và cách phân biệt các dự án uy tín với các chiêu trò lừa đảo. Chỉ khi có sự kết hợp giữa pháp luật, công nghệ và nhận thức cá nhân, thị trường tiền mã hóa mới có thể phát triển bền vững, tạo cơ hội thực sự cho nhà đầu tư và nền kinh tế.
Vietnamfinance
In bài viết