Nợ ngân hàng của Thực phẩm Sao Ta tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm

Tính đến cuối tháng 9, Thực phẩm Sao Ta đang có 5 khoản vay tại các ngân hàng với tổng giá trị lên tới 798 tỷ đồng, tăng 92% so với đầu năm.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex; HoSE: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong quý III/2022 đạt 1.752 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cùng kỳ. 

Do mức tăng của giá vốn hàng bán trong quý chậm hơn mức tăng doanh thu giúp biên lợi nhuận gộp trong kỳ được cải thiện, nâng lên mức 190,8 tỷ đồng, tăng 26,6% so với quý III/2021. Song song với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Thuỷ sản Sao Ta ghi nhận 20,7 tỷ đồng, tăng 25,3%, chủ yếu đến từ các khoản chênh lệch tỉ giá. 

Các khoản chi phí của Sao Ta trong kỳ đều tăng, trong đó: Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh nhất gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ, cán mốc 24,6 tỷ đồng. Sau khi kết thúc quý III/2022, Thực phẩm Sao Ta báo lãi 79,8 tỷ đồng, tăng 25,4% so với quý III năm trước.

Nợ ngân hàng của Thực phẩm Sao Ta tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta thu về 4.491 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19,6%. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận 240 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tính đến ngày 30/9/2022, chi phí cho thuế chống bán phá giá là 1,6 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí được áp dụng cho các công ty xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, được tính toán và thu bởi Cơ quan hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ trước khi hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ.

Năm 2022, Thực phẩm Sao Ta đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 5.290 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm công ty đã hoàn thành gần 85% kế hoạch doanh thu và 77,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của công ty ở mức 3.157 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đạt 2.207 tỷ đồng, đóng góp hơn 69% tổng tài sản. Bên cạnh đó, tài sản dài hạn trong kỳ là 950 tỷ đồng, tăng 72,9% so với số đầu năm.

Diễn biến thị giá cổ phiếu FMC (Nguồn: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu FMC (Nguồn: TradingView).

Về cơ cấu nguồn vốn, dư nợ phải trả của công ty đến cuối tháng 9 là 1.122 tỷ đồng, tăng 55% so với số nợ 723 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng là 798 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với số đầu kỳ. Theo đó, công ty đang có 3 khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và 2 khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 2.035 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu kỳ.

Trong quý, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn tất việc mua 100% tỉ lệ sở hữu của Công ty TNHH Vĩnh Thuận với hoạt động chính là nuôi tôm công nghiệp. Ngay sau sau đó, công ty cũng hoàn tất việc góp vốn thêm vào Vĩnh Thuận để tăng vốn điều lệ lên 111 tỷ đồng.

Trong thông tin cập nhật tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta đã nhận định, từ giờ đến cuối năm, do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu nên sức tiêu thị không cao, doanh số  tiêu thụ không tăng mạnh.

Chia sẻ với báo chí gần đây, TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, doanh số xuất khẩu thuỷ sản như cá tra, tôm đều giảm do ảnh hưởng từ lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới. 

Theo ông Lực, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành tôm tại Việt Nam nên chuyển hướng và tìm tới các thị trường phù hợp để tận dụng điểm mạnh của nước ta trong từng giai đoạn. Vị thế của các thị trường xuất khẩu mỗi năm sẽ có những thay đổi, phụ thuộc vào tuỳ tình hình.

     

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục