Trong phiên chất vấn Quốc hội mới đây, đề cập tới vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay hiện tỷ lệ nợ công đang tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP, gần chạm tới giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Trên thực tế, con số nợ công ngày càng phình to với các cách tính khác nhau vẫn là điều rất đáng lo ngại.
Nếu như tại thời điểm năm 2010, nợ công mới chỉ là khoảng hơn 1,115 triệu tỷ đồng, thì sang 2014, tổng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội đã huy động 627,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60,3% GDP. Đây cũng là năm mà nợ công Việt Nam tăng mạnh nhất trong dự kiến 10 năm 2011-2020 của Bộ Tài chính.
Nợ công của Việt Nam đang ngày càng phình to?
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng trong năm nay, nợ công còn tiếp tục tăng lên mức 64% GDP và sẽ chạm sát trần vào năm 2016 với tỷ lệ 64,9% GDP. Nhưng kể từ năm 2017, nợ công sẽ giảm dần để đến năm 2020 xuống mức 60,2% GDP.
Nếu như tính theo USD, nợ công của Việt Nam hiện vào khoảng 84,9 tỷ USD. Trung bình mỗi người dân đang gánh hơn 937 USD tiền nợ.
Để có thể kiểm soát được nợ công, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Chính phủ đang tiếp tục tăng cường quản lý chi tiêu công; cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp, tăng vay dài hạn, giảm vay ngắn hạn, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ thất thoát. Đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh tốt để có thể kích thích sản xuất.
Trước đó vào tháng 02/2015, Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Theo đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án… phải quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn…
Anh Công (TH theo Dân trí; Vietnamnet; CAND)
>>> Nợ công tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm
>>> Nợ công Việt Nam bằng 62% GDP, sắp chạm giới hạn cho phép
>>> Vay 5 tỷ USD/năm: Nợ công sắp chạm trần, không thể dừng lại