“Nữ quái” gây chấn động lịch sử ngành ngân hàng
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam, với nguy cơ mất trắng hơn 3.300 tỷ đồng. Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM. Đồng thời là Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.
Từ đầu năm 2007, Như và đồng bọn đã vay hơn 200 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng và các công ty khác nhau với lãi suất cao để đầu tư bất động sản, nhưng sau đó làm ăn thua lỗ và mất dần khả năng thanh toán. Như đã thoả thuận với một số lãnh đạo Ngân hàng ACB về việc vay vốn với lãi suất 14%, cộng với lãi ngoài hợp đồng 3,8 – 4,5%. Sau đó bên phía ACB đã cho 19 nhân viên gửi 719 tỷ đồng vào ngân hàng Vietinbank.
Như và đồng bọn còn sử dụng chữ ký giả, dấu giả lập các lệnh chi, chứng từ chuyển tiền, rút tiền gửi tại Vietinbank, lừa đảo là Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc số tiền 550,35 tỷ đồng, và Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjaya 210 tỷ đồng. 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên bị Như lừa với số tiền lên tới xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, và một số cá nhân tổ chức khác cũng bị Như lừa với thủ đoạn tương tự.
Nữ quái bật khóc xin lỗi lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: Internet.
Vụ án sau đó được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Ngày 7/1/2015 phiên toà phúc thẩm tuyên phạt đối với Huỳnh Thị Huyền Như án chung thân, các đồng bọn của “nữ quái” này cũng nhận những án phạt thích đáng.
Ông bầu tóc bạc thét ra lửa vướng vòng lao lý
Năm 2012 là một năm nhiều biến động của Ngân hàng Á Châu (ACB) với những cái tên như Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải. Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) là một trong số những nhà đồng sáng lập ACB, và nắm vị trí quan trọng trong Ngân hàng từ năm 1994. Bầu Kiên còn có cổ phần ở nhiều ngân hàng khác như Eximbank, VietBank, Techcombank. Ngoài lĩnh vực ngân hàng thì lĩnh vực đưa tên tuổi ông nổi dày đặc trên các mặt báo chính là bóng đá, với sự kiện Bầu Kiên cướp diễn đàn trong Hội nghị tổng kết V. League 2011 của VFF.
Bầu Kiên đấu tố trong Hội nghị tổng kết V.League 2011 của VFF. Ảnh: Internet.
Tên tuổi của Bầu Kiên đang được cả nước chú ý thì bất ngờ ngày 20/8/2012. Bầu Kiên bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Cụ thể, ông Kiên có liên quan tới sai phạm của 3 công ty con do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (bao gồm Công ty đầu tư TM B&B, Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội). Điều này dẫn đến cổ phiếu các ngân hàng mà ông Kiên nắm giữ như ACB, Eximbank, Sacombank… lao dốc.
Bầu Kiên đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của Ngân hàng ACB, sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại Ngân hàng ACB. Cùng với phương pháp tương tự, Bầu Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên thép Hoà Phát. Từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, Bầu Kiên đã chỉ đạo ra chủ trương để ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ số tiền sau đó đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Ngoài ra, Bầu Kiên còn chỉ đạo cho nhân viên của ACB gửi tiền vào 22 ngân hàng, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 247 tỷ đồng.
Sau khi Bầu Kiên bị bắt đúng 2 ngày, thì Lý Xuân Hải – cựu Tổng giám đốc ACB cũng bị bắt giam với tội danh tương tự. Việc bắt giữ Lý Xuân Hải liên quan đến khoản tiền uỷ thác đầu tư tại VietinBank khi vụ án của “nữ quái” Huỳnh Thị Huyền Như bị phanh phui.
Trong phiên toà phúc thẩm diễn ra vào năm 2014, Bầu Kiên đã bị tuyên án 30 năm tù giam với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Gia đình siêu lừa đảo 8 ngân hàng xây lâu đài
Liên quan trực tiếp tới vụ án nghìn tỷ này là Công ty TNHH Phương Nam do Lâm Ngọc Khuân – nguyên Chủ tịch HĐQT, Trần Thị Mỹ (vợ Khuân), Lâm Ngọc Hân (con gái Khuân) – nguyên Giám đốc công ty và Huỳnh Phúc Quế (cháu Khuân) cùng với hàng chục các lãnh đạo và cán bộ của 8 Ngân hàng.
Từ năm 2008 đến cuối tháng 9/2012, dù công ty đang thua lỗ trên 966 tỷ đồng nhưng Khuân vẫn chỉ đạo cho con gái và cấp dưới lập 19 báo cáo tài chính khống để che mắt rằng Công ty TNHH Phương Nam đang có lãi, nâng khống lượng hàng hoá tồn kho với giá trị từ 123 tỷ lên trên 747 tỷ, sau đó đem thế chấp tại các ngân hàng vay vốn. Khuân còn chỉ đạo sử dụng một số chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi photocopy ra thành nhiều bản, có xác nhận sao y bản chính từ con dấu của công ty để gửi đến các ngân hàng giải ngân. Toàn bộ số tiền mà vợ chồng Khuân lừa đảo đều dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân, trong đó có việc xây dựng căn biệt thự hàng chục tỷ đồng. Cuối năm 2011, Khuân và vợ chốn sang Mỹ và đến giữa tháng 7/2012 con gái Khuân cũng xuất cảnh sang Mỹ, để lại khoản nợ trên 1.752 tỷ đồng tại 8 ngân hàng, nợ gốc gần 1.600 tỷ. Trong đó 3 ngân hàng bị nợ nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Sóc Trăng trên 498 tỷ, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang 328 tỷ và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng 341 tỷ.
Biệt thự gia đình Lâm Ngọc Khuân dùng số tiền chiếm đoạt được để xây dựng. Ảnh: Internet.
Liên quan tới vụ án thất thoát hơn 1.700 tỷ là hàng chục lãnh đạo, cán bộ của 8 chi nhánh các ngân hàng gồm: VDB Sóc Trăng, LPB Hậu Giang, Sacombank Sóc Trăng, ABBank Bạc Liêu, VCB Sóc Trăng, Agribank chi nhánh Sóc Trăng, NH Liên doanh Việt Thái và VietinBank Chi nhánh Sóc Trăng.
Sếp ngân hàng lĩnh hai án tử
Một vụ án nghiêm trọng nữa là vụ thất thoát hơn 450 tỷ đồng tại Công ty thuê tài chính ALC II thuộc Agribank. Người cầm đầu vụ án này là Vũ Quốc Hảo – nguyên Tổng giám đốc công ty thuê tài chính ALC II và Đặng Văn Hai – cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh. Theo đó từ năm 2007 đến đầu năm 2009, Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiệp vụ cho thuê tài chính dưới hình thức ký hợp đồng giải ngân, đây thực chất là cho vay trái quy định. Hảo đã đưa ra chủ trương rồi cùng bàn bạc thống nhất với các doanh nghiệp có liên quan ký và thực hiện các hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản theo nghiệp vụ cho thuê tài chính trái quy định. Ngoài giúp Hảo hoàn thành các thủ tục trái phép, Hai còn chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng thông qua các khoản vay, và sử dụng cá nhân. Tổng cộng Hảo và Hai đã chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhà nước. Hảo cũng trực tiếp tham ô 4,9 tỷ đồng trong việc thanh lý tài sản cho thuê của doanh nghiêp Anh Phương. Cùng với đó Hảo và Hai đã ký rồi thực hiện 7 hợp đồng để ALC II giải ngân số tiền 501 tỷ, gây thiệt hại hơn 329 tỷ. Tổng cộng Hảo và Hai đã gây thiệt hại cho nhà nước 450 tỷ đồng.
Vũ Quốc Hảo cùng đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Internet.
Ngày 22/11/2015, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Vũ Quốc Hảo mức án tử hình vì những tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước. Sau 5 bản án, Vũ Quốc Hảo lĩnh hai án tử hình.
Quang Thắng (Tổng hợp)