Về nguyên tắc, giá càng biến động, càng tạo ra nhiều cơ hội "làm bàn" cho giới đầu cơ. Thế nên những cơn khan hiếm giả tạo, những thông tin rỉ tai nhau về việc mua vàng, ngoại tệ "phòng thân" liên tục được tung ra để "kích" thị trường. Tâm lý bất an của nhiều người đã trở thành mảnh đất màu mỡ để giới đầu cơ vàng, ngoại tệ... trục lợi. Không khó để nhận ra, đằng sau hình ảnh người dân vì lo ngại tình hình căng thẳng ngoài biển Đông nên đổ xô đi mua vàng, USD với giá cao là rất nhiều nhà đầu tư đang "âm thầm" bán ra thu lợi. Nhưng nếu bình tĩnh hơn một chút, mỗi người đều có thể nhận ra chiếc "bẫy giá" đang được giăng ra trên thị trường với rủi ro cực lớn.
Đầu tiên là rủi ro chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đang được nới rộng. Trước đây, để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu, cung vàng ra thị trường nhằm thu hẹp khoảng cách. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả, thị trường vàng chấm dứt tình trạng sốt ảo, tranh mua. Nếu bây giờ NHNN tiếp tục đấu thầu, chênh lệch giá chắc chắn được kéo lại và những người mua vàng giá cao hôm nay sẽ lỗ nặng. Về ngoại tệ, còn rủi ro hơn. Vào cuối tháng 4 vừa rồi, dự trữ ngoại hối của VN đã đạt mức kỷ lục với 35 tỉ USD. Với nguồn dự trữ dồi dào này, NHNN có thể bán ra can thiệp thị trường bất cứ lúc nào và khi đó cũng như vàng, tỷ giá sẽ giảm mạnh. Hầu bao của nhiều người sẽ mỏng đi trông thấy nếu lao vào mua "đô" theo tâm lý đám đông ngày hôm nay.
Về cục diện chung, vàng, ngoại tệ đang ở "thế yếu" trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư. Chủ trương chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế vẫn đang được quyết liệt thực hiện nên rất khó có sự tăng giá đột biến trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đây chính là rủi ro lớn nhất khi "găm" vàng, ngoại tệ. Trong khi đó, chứng khoán và bất động sản lại đang có nhiều tín hiệu khả quan. Báo cáo quý 1 của nhiều công ty niêm yết cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài chọn mua trong tuần qua và thu lợi lớn.
Đặc biệt, theo kế hoạch của Chính phủ, từ nay tới hết năm 2015 sẽ có hơn 400 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong đó có rất nhiều thương hiệu lớn. Nguồn hàng phong phú, đa dạng và hấp dẫn này được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp chứng khoán tăng mạnh trở lại. Với bất động sản cũng tương tự, trong vòng 5 năm qua, hàng loạt các dự án hạ tầng đã được hoàn thành, kết nối các khu đô thị mới, các cao ốc, các vùng lân cận với trung tâm tỉnh, thành, tăng giá trị cho các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, hàng loạt các giải pháp kích cầu cũng được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra để hồi phục thị trường này. Đầu tư chứng khoán, bất động sản đón đầu hồi phục kinh tế đã được nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước lên kế hoạch thực hiện.
Với tình hình căng thẳng ngoài biển Đông, Việt Nam ngày càng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Lẽ nào chúng ta, mỗi người dân lại không tỉnh táo để rơi vào "bẫy" của giới đầu cơ, vừa tự làm thiệt hại mình, vừa ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước ngay tại thời điểm nền kinh tế cần nhất sự đồng thuận và ổn định?
Theo Thanh niên