Nhận phao đúng lúc
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hoạt động của nền kinh tế đã trở lại bình thường sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong đó, dù thuộc diện bổ sung, nhưng các doanh nghiệp ngành địa ốc cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ, như Chỉ thị số 11/CT-TTg (gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng), Nghị định 41/2020/NĐ-CP (gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất trong 5 tháng). Không quá khi nói rằng, các doanh nghiệp đã nhận được cái phao cứu sinh đúng lúc.
Những diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang khiến các thành viên thị trường tự tin hơn. Đặc biệt, nếu xét cả các bối cảnh chung là khu vực và thế giới, thì Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang có được nhiều triển vọng sớm phục hồi trở lại.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các chính sách này sẽ phát huy tác dụng, đặc biệt với Nghị định 41/2020/NĐ-CP sẽ tốt đối với những doanh nghiệp đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trước việc nhiều thành viên thị trường đề xuất xin tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm (thay vì 5 tháng như Nghị định 41), theo ông Khương, điều này chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý.
“Theo cá nhân tôi nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan, cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng Chính phủ sẽ xem xét đến việc giải quyết một cách triệt để các vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn”, ông Khương khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Thung, Tổng giám đốc TMS Group cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng mang đến những tác động nhất định, nhưng không phải quá nhiều và chỉ đạt khoảng 10%.
Đại diện TMS Group cho rằng, với thị trường bất động sản, kích thích mạnh nhất vẫn là về chính sách, sau đó mới tới tài chính, bởi đây là thị trường đặc thù cần có thời gian dài (cả để phục hồi và phát triển). Ngoài ra, các yếu tố khác như bối cảnh nền kinh tế thế giới, tâm lý thị trường, sức mua cũng sẽ có những tác động quan trọng.
Nhu cầu vẫn lớn
Giữ góc nhìn lạc quan, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, với những diễn biến hiện nay, thị trường cũng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại khi dịch bệnh kiểm soát tốt, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư đã sẵn sàng trở lại hơn. Do nhu cầu mua nhà để ở và sinh sống vẫn luôn hiện hữu ở mọi thời điểm, kể cả khi có dịch Covid-19, nên cơ hội cho thị trường là rất lớn.
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn lại thị trường năm 2019, không khó nhận ra lực cầu trong năm luôn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, những dự án có pháp lý đầy đủ, được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và được thực hiện bởi những nhà phát triển có uy tín, giá bán phù hợp, có tỷ lệ hấp thụ thường đạt 70 - 80% sau 6 tháng ra hàng. Đây là điểm sáng, điểm mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam và là yếu tố tích cực thu hút các nhà đầu tư trong năm 2020.
Một cơ sở nữa khiến các chủ đầu tư thêm tự tin, đó là nhu cầu sở hữu bất động sản của người nước ngoài ở Việt Nam và các Việt kiều được dự báo ở mức cao, nhất là hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện trong và sau dịch.
Đại diện Hải Phát Land cho rằng, vừa qua là thời điểm nhiều Việt kiều về nước, cùng với đó là nhu cầu mua nhà của đối tượng khách hàng này tăng. Mặt khác, một số người nước ngoài đang ở Việt Nam từ trước đó thì thời điểm này cũng chuyển từ thuê sang mua nhà, vì thấy Việt Nam là một quốc gia an toàn.
“Ngoài dòng sản phẩm căn hộ chung cư, năm 2020 và những năm tiếp theo, phân khúc đất nền sẽ vẫn là một trong những phân khúc thu hút vốn nhiều nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người mua đất nền với mục đích đầu cơ sẽ gặp phải một số rủi ro. Bởi ở thời điểm hiện tại, nhiều khu vực giá đất đã tăng cao hơn nhiều so với thực tế, nếu không tính toán cẩn trọng, nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn, thua lỗ”, ông Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào bối cảnh chung của nền kinh tế, của công tác phòng chống dịch bệnh. Theo ông Hiếu, trong 6 tháng tới, hoặc ở thời điểm sớm là cuối quý III, hoặc qua quý IV, nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì các kênh như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền gửi ngân hàng sẽ có sự quay trở lại. Các kênh đầu tư này cũng sẽ cạnh tranh với nhau để thu hút dòng vốn đầu tư.
Còn ông Thung lại dự báo, từ giờ đến cuối năm 2020, bức tranh thị trường sẽ lạc quan hơn, sáng sủa hơn. Đặc biệt, bối cảnh thị trường sẽ phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực, chiến lược tốt, có khả năng phòng ngừa, quản trị khủng hoảng tốt.
Ông Thung cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp làm thật có chiến lược chuẩn, có nguồn lực (tài chính, con người, quỹ đất). Đặc biệt, doanh nghiệp nào có quỹ đất, có sự chuẩn bị tốt sẽ có thể sớm ra hàng.
Trao đổi với các thành viên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, nền tảng chung của lĩnh vực địa ốc hiện vẫn ổn định, có những nền tảng khá vững chắc khiến các doanh nghiệp thêm tự tin. Đó là nhu cầu về nhà ở lớn, cả với khách hàng trong nước và người nước ngoài; ngành du lịch liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và được xác định là mũi nhọn kinh tế; tốc độ đô thị hóa cao; giá bất động sản còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực; Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, thị trường thông qua các chính sách vĩ mô… Tất cả những điều này đang là cơ sở, nền tảng cho sự phục hồi nhanh chóng của thị trường thời gian tới.
Đại diện Hải Phát Land cho biết, trong trường hợp dịch bệnh kiểm soát tốt từ nay tới cuối năm, hoạt động kinh doanh của Hải Phát Land kỳ vọng vẫn sẽ đạt kết quả khả quan với mức tương đương 80% so với thực hiện của năm ngoái.
Trong khi đó, đại diện TMS Group cũng hào hứng: “Tôi thấy việc Chính phủ xử lý dịch tốt cũng là niềm cảm hứng, tăng thêm sự tự tin cho doanh nghiệp. Chúng tôi chuẩn bị nguồn lực tốt để tháng 6 này động thổ dự án tại Vĩnh Phúc”.
Với nhiều doanh nghiệp, giai đoạn dịch bệnh là giai đoạn tái cấu trúc ở quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào việc thực hiện giải pháp ứng phó, tăng cường quản trị, đào tạo nội bộ, hoàn thiện thủ tục pháp lý hay chuẩn bị lực lượng cho sự quay trở lại.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, diễn biến tích cực từ công tác phòng chống dịch đã khiến doanh nghiệp thêm tự tin. Thời điểm hiện tại, theo ông Nga, là lúc thuận lợi để thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, tổ chức sự kiện bán hàng, đưa sản phẩm ra thị trường sau một thời gian dài trầm lắng.
Theo Baodautubatdongsan