Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney theo dõi tin tức vụ tấn công tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới trong phòng làm việc, trước khi phải sơ tán xuống hầm trú ẩn của Nhà Trắng trong ngày 11-9-2001 - Ảnh: THE NATIONAL ARCHIVES
Nhân kỷ niệm 18 năm sự kiện này, trang web History.com đăng bài viết của nhà báo, sử gia Garrett M. Graff, tác giả cuốn sách The only plane in the sky: An oral history of 9-11 (tạm dịch: Chiếc máy bay duy nhất trên trời: Lịch sử qua lời kể nhân chứng ngày 11-9). Trong đó, tác giả nêu ra những chuyện "hậu trường" và những điều còn tranh cãi trong ngày lịch sử đó.
Phó tổng thống được ra lệnh bắn máy bay?
Thật khủng khiếp khi một nhà lãnh đạo của Mỹ phải hạ lệnh bắn chiếc máy bay dân dụng đang chở khách. Nhưng chuyện này đã xảy ra trong giờ đầu tiên sau khi xảy ra loạt tấn công khủng bố ngày 11-9.
Chỉ có điều, theo những tư liệu lịch sử còn lại từ buổi sáng hỗn loạn đó, vẫn chưa rõ ai là người đã trực tiếp ra quyết định bắn hạ chiếc máy bay dân dụng được cho bị bọn khủng bố kiểm soát đó. Về nguyên tắc, người có thẩm quyền phát đi lệnh này phải là một trong số những người thuộc hệ thống phân quyền chỉ huy quân đội, tức là từ tổng thống Mỹ xuống tới bộ trưởng quốc phòng và các chỉ huy quân đội khác.
Tuy nhiên trong ngày hôm đó, tổng thống George W. Bush sau khi tham dự một sự kiện giáo dục tại bang Florida lúc đầu ngày đã buộc phải trú ẩn ngay trên chiếc Air Force One trong tình trạng liên lạc phập phù, thông tin không đủ. Trong khi đó, người ta không thể liên lạc được với bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld vì chính Lầu Năm Góc sau đó cũng bị tấn công.
Vào thời khắc chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa tháp phía nam của Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) lúc 9h03, tín hiệu rađa phát hiện một chiếc máy bay khác đang lao thẳng về phía Nhà Trắng. Phó tổng thống Dick Cheney cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã phải sơ tán khẩn xuống hầm trú ẩn trong Nhà Trắng. Không ai biết còn bao nhiêu chiếc máy bay khác đang bay trên trời và bao nhiêu chiếc trong đó đã bị không tặc kiểm soát.
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho cuốn sách The only plane in the sky: An oral history of 9-11, tác giả Garrett M. Graff đã phỏng vấn hàng chục quan chức cấp cao từng ở bên tổng thống Bush và phó tổng thống Cheney trong hôm đó. Ông Graff cũng ghi chép thêm những lời kể sau ngày 11-9 của nhân chứng được Lầu Năm Góc và các viện nghiên cứu chính thức ghi lại để hiểu rõ ai là người đã ra quyết định bắn hạ chiếc máy bay dân dụng bị không tặc chiếm đang lao về phía Nhà Trắng trong sáng 11-9.
Theo đó, tình thế hôm ấy đã khiến phó tổng thống Cheney buộc phải ngồi vào "ghế nóng" để quyết định. Ông Cheney là người ra lệnh, nhưng ông có thẩm quyền làm việc đó không và liệu ông và tổng thống Bush có liên lạc trước hoặc sau khi ông Cheney lệnh cho máy bay chiến đấu vào cuộc không?
Theo những gì được ráp nối lại sau đó, tư lệnh hải quân Anthony Barnes, người có mặt trong hầm khi ấy, giải thích: "Lầu Năm Góc cho rằng có một chiếc máy bay khác bị không tặc kiểm soát và họ hỏi xin phép bắn hạ chiếc máy bay dân dụng đã xác định này. Tôi hỏi phó tổng thống câu đó và ông ấy trả lời quả quyết là có".
Bộ trưởng quốc phòng sai nguyên tắc?
Một trong những lý do khiến ông Cheney buộc phải điều hành mọi sự là bởi trong giờ đầu tiên khi khủng hoảng xảy ra, bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, người thứ hai trong hệ thống phân quyền chỉ huy quân đội chỉ sau tổng thống, đã ra khỏi Lầu Năm Góc sau khi vụ tấn công xảy ra ở trụ sở Bộ Quốc phòng và trực tiếp đến hiện trường.
Về nguyên tắc, trong trường hợp xảy ra tấn công, ông Rumsfeld phải ngay lập tức được sơ tán đến nơi an toàn. Song có lẽ trong ngày hôm đó, bị giằng xé giữa trách nhiệm của cương vị và những đòi hỏi cấp thiết từ thảm kịch quá bất ngờ, ông Rumsfeld đã trực tiếp tham gia khiêng cáng đưa những người bị thương ra khỏi khu vực bị tấn công.
Việc này có thể khiến ông được cảm phục, yêu mến song nhìn từ quan điểm chính thức, việc ông tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm cũng như khiến các cấp liên quan không thể liên lạc trong tình huống khẩn cấp rõ ràng là cách hành xử sai.
Bà Victoria "Torie" Clarke, người phụ trách các vấn đề cộng đồng tại Lầu Năm Góc, nhớ lại vào thời điểm sau khi vụ tấn công xảy ra, ngay cả nhân viên của ông Rumsfeld cũng không rõ ông ở đâu.
Còn ông Aubrey Davis, một trong những đặc vụ theo sát ông Rumsfeld, vẫn nhớ ông đã không tài nào trả lời lại được qua sóng bộ đàm mặc dù nghe rất rõ những câu hỏi điên cuồng từ đó là bộ trưởng quốc phòng đang ở đâu.
Cuộc chiến chưa kết thúc
Ngày 9-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với lãnh đạo Taliban "đã chết yểu". Theo Hãng tin Reuters, trước đó ông Trump đã có kế hoạch gặp các thủ lĩnh Taliban tại Trại David ở Maryland cuối tuần này. Tuy nhiên, sau vụ tấn công liều chết xảy ra ở thủ đô Kabul tuần trước khiến một quân nhân Mỹ thiệt mạng, ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp và khẳng định các đàm phán với Taliban đã chết.
Sau loạt vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, từ tháng 10-2001 chính quyền Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố và xâm lược Afghanistan để lật đổ Taliban, lực lượng đã che giấu Al-Qaeda, nhóm khủng bố đã gây ra thảm kịch 11-9.
Mục tiêu của cuộc chiến nhằm bắt Osama bin Laden, tiêu diệt Al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban chống lưng cho Al-Qaeda. Tuy nhiên, sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bin Laden bị tiêu diệt, cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan tới nay vẫn chưa kết thúc dù đã kéo dài 18 năm.
|
Theo D.Kim Thoa/Tuoitre