Những điểm sáng trong ngành ngân hàng

(Kinhdoanhnet) - Tính đến hết tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng mới đạt trên 3,52%, thấp hơn mức tăng tín dụng 4,5% so với cùng kì năm ngoái. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, một số ngân hàng vẫn có được những con số tăng trưởng ấn tượng.

Cao hơn mức tăng tín dụng toàn ngành

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết quý II/2014,mức tăng trưởng tín dụng đạt 3,52%. Thống đốc NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp nửa đầu năm chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu và tín dụng sẽ tăng gấp đôi trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm giải quyết chưa dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, theo phương hướng của Chính phủ, đầu tư tín dụng vào các ngành ưu tiên vẫn đạt mức tăng trưởng.

Cuối quý II/2014, tín dụng xuất khẩu đã tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so với cuối năm 2013, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng khoảng 2,56% so với cuối năm 2013.

Vietcombank là một trong số ít các ngân hàng thương mại lớn đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong toàn hệ thống. Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động của ngân hàng đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Cụ thể, huy động vốn từ nền kinh tế (không tính bảo hiểm xã hội) của ngân hàng tính đến 30/6/2014 đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, trong khi đó mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành chỉ đạt có 5,3%. Huy động vốn từ nền kinh tế tăng đều ở cả tổ chức kinh tế (13,5%) và dân cư (14,9%); cơ cấu vốn tương ứng là 46 - 54%.

Tính đến hết tháng 6 dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt 293.546 tỷ đồng, tăng 6,63% so với đầu năm và cũng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (3,5%). Dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 10,63% trong khi đó dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ tăng 4,35%.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trong giai đoạn đầu năm ở mức 3,06%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 2.778 tỷ đồng sau khi trích dự phòng rủi ro, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu suất sinh lời của tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt tương ứng là 0,90% và 10,07%. NIM giữ ở mức 2,5%.

Những điểm sáng trong ngành ngân hàng - Ảnh 1
Một số ngân hàng đạt chỉ tiêu tốt 6 tháng đầu năm

 

TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo của ngân hàng này thì tính đến hết tháng 6 mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng này đạt 8,8%; trong đó, dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Nợ xấu ở mức thấp, 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm.

Lợi nhuận tăng vượt chỉ tiêu

Không ít các ngân hàng vượt mức chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm.

Đại diện ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng  cũng cho biết đạt con số lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Theo kế hoạch, năm nay, BIDV tăng trưởng huy động và cho vay 13%; lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3% và cổ tức không thấp hơn 9%. Huy động vốn khách hàng tăng 3,3% với tổng 431.000 tỷ, tín dụng tăng trưởng 2,3% đạt 396.000 tỷ đồng.

Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 692 tỷ đồng trong quý II/2014. Riêng quý II, ước tính tổng thu nhập hoạt động ở mức 2.003 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế khoảng 692 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của Ngân Hàng TMCP Quân Đội (MBB) trong quý II/2014 đạt 2.020 tỷ đồng và 670 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,6% và 6,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, tính chung cả 6 tháng, MBB hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận năm.

Các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp cụ thể để khơi thông nguồn vốn tín dụng, quản trị ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất- kinh doanh, xử lý nợ đọng, đưa vốn ngân hàng tới các lĩnh vực được ưu tiên. Theo bà Nguyễn thị Hồng, Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ cho biết, thời gian tới, nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm, cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng những tháng cuối năm.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục