1. Công việc dọn nhà đắt khách dịp cuối năm
Dịch vụ dọn nhà theo giờ vốn đã quen thuộc với nhiều người thành thị, nhưng vào ngày giáp Tết thì đắt khách hơn cả vì tâm lý cuối năm thì ai ai cũng cần dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa. Vì vậy, lẽ ra phải về quê đón Tết thì nhiều người lao động ngoại tỉnh lại chấp nhận ở lại Hà Nội đến tận ngày cuối cùng của năm để kiếm thêm thu nhập, vì thời điểm này, giá thuê sẽ cao hơn.
Ảnh minh họa
Tại nhiều “chợ người”, những người lao động tự do cũng nhận được nhiều đơn hàng dọn dẹp nhà cửa cuối năm hơn. Đặc biệt tại các công ty, trung tâm cung cấp dịch vụ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì đây là thời điểm hoạt động “hết công suất”. Theo khảo sát thì năm nay, giá dịch vụ dọn nhà dịp Tết tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái.
2. Trông nhà ngày Tết lương cao
Thay vì về quê dịp Tết, nhiều lao động hoặc sinh viên chấp nhận ở lại Hà Nội làm giúp việc, trông nhà trong những ngày Tết vì mức lương những ngày này cao gấp nhiều lần ngày thường, công việc lại nhàn hạ hơn hẳn. Thời gian làm việc trong khoảng các ngày từ 25 tháng chạp đến mùng 6 tháng Giêng. Công việc thì chủ yếu là dọn dẹp, trông nhà cho chủ đi chúc Tết, về quê hay du lịch, đôi khi là trông trẻ cho chủ đi chúc Tết, hay tham gia những buổi tiệc tùng sang trọng…
Người giúp việc trong những ngày này chủ yếu là sinh viên, bộ đội xuất ngũ, nhân viên bảo vệ, những lao động giúp việc mà gia chủ không có nhu cầu ngày Tết. Tuy lương cao nhưng ít người sẵn sàng đánh đổi thời gian Tết quý giá để đi làm thêm, vì vậy giá thành tương đối cao, khoảng 400-800 nghìn đồng/ngày. Đối với những trường hợp này, gia chủ có yêu cầu khắt khe về lý lịch, sức khỏe, khả năng tự bảo vệ mình cũng như gia tài của chủ nhà…
3. Dịch vụ làm đẹp ngày Tết
Không chỉ nhu cầu chơi cây cảnh, sắm sửa xe cộ trong dịp Tết tăng cao khiến các dịch vụ đi kèm đắt khách, mà nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ cũng tăng đột biến vào tháng cao điểm giáp Tết. Khảo sát tại một vài địa chỉ làm tóc trong khu vực Trung tâm Hà Nội như phố Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Hàng Bún…, nhiều chị em phải ngồi xếp hàng mới đến lượt làm tóc.
Chị Nguyễn Thị Huyền (Cầu Giấy) chia sẻ với báo Thanh Tra, một người vào tiệm tùy dịch vụ cắt tóc khoảng 300 – 500.000/lượt, uốn tóc và ép tóc từ 1 đến 1,5 triệu đồng/lượt. Như vậy, chỉ cần tính vài chục người vào sử dụng dịch vụ làm tóc trong 1 ngày thì cửa hàng cũng thu về vài chục triệu đồng...
4. Tiền triệu cho vài phút… xông đất
“Xông đất” vẫn là một nét văn hóa đặc biệt của người Việt trong ngày đầu tiên của năm mới. Theo đó, người đầu tiên bước vào nhà bạn sau khoảnh khắc giao thừa sẽ được gọi là người “xông đất”. Tục xông đất thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, an khang và người xông đất như một dấu hiệu để người ta giải đoán trước hậu vận của năm đó. Nếu như trước đây, người được chọn đi “xông đất” phải là người thân quen trong gia đình, hợp tuổi gia chủ làm ăn thì bây giờ, nhiều gia đình làm kinh doanh kỹ càng hơn trong việc chọn người xông đất. Ăn theo quan niệm này, nhiều người đã lên ý tưởng kinh doanh, mở dịch vụ xông đất và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện xã hội để tìm kiếm khách hàng. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần đưa thông tin về ngày tháng năm sinh, phía cung cấp dịch vụ sẽ chọn người “hợp tuổi”. Và để có người xông đất mặc quần áo thần tài, có thêm cả phong bao đỏ lì xì cho nhà chủ, khách hàng có thể phải chi hàng triệu đồng cho khoảng 5-10 phút. Với các công ty, đơn vị thuê cả nhóm múa lân rồng, 3 ông Phúc - Lộc -Thọ, mức giá có thể lên tới 10 triệu đồng. Những người được chọn xông đất thuê ngoài hợp tuổi cũng cần có trình độ nhất định, ngoại hình ưa nhìn, có kinh nghiệm xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp tốt.
Không chỉ các công ty mở dịch vụ xông đất thuê, nhiều sinh viên, học sinh cũng tự đăng quảng cáo nhận xông đất thuê trên các trạng mạng xã hội, bao gồm đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày giờ sinh, quê quán, chiều cao, ngoại hình... Giá một lần xông đất của mỗi học sinh, sinh viên thường thấp hơn dịch vụ, dao động trong khoảng từ 500.000 đồng trở lên.
5. Bán muối đêm giao thừa
Gần đây ở nhiều thành phố, nhất là Hà Nội xuất hiện các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên bán muối ngay trong đêm giao thừa tại các điểm vui chơi, giải trí. Những túi muối mua chưa đến 10 nghìn đồng/kg có thể chia ra thành hàng chục túi nhỏ, để vào các túi màu đỏ kèm nơ buộc sẽ bán được giá khoảng 15-20 nghìn đồng/túi. Ngoài bán muối thì các bạn trẻ này còn bán kèm diêm, vì diêm cũng là mặt hàng được mua rất nhiều với hy vọng tìm thấy hơi ấm và giữ được lửa trong năm mới.
Mai Anh (TH theo ANTĐ, VOV)