Những "cú sốc" làm chao đảo tài chính thế 2016

(Kinhdoanhnet) - Bầu cử tổng thống Mỹ, trưng cầu dân ý tại Anh hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC... là những "cú sốc" làm chao đảo tài chính thế giới trong năm 2016.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc

Sự kiện đầu tiên diễn ra ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2016 (4/1/2016), chỉ số chứng khoán Shanghai (SCI) khi đó đã rơi tự do, giảm tới 6,9%. 

Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến để mất tới 8,2% trong một ngày giao dịch được cho là tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2007. 

Đến cuối tháng 1/2016, chỉ số SCI đã giảm 23%. Đây có thể chỉ là “dư chấn” của những bất ổn trong năm 2015, song một điều không thể phủ nhận là những xáo động đầu năm ở Trung Quốc đã khởi đầu cho làn sóng bán mạnh cổ phiếu trên nhiều thị trường khác, từ London tới New York, cũng như thiết lập xu hướng biến động mạnh trên các thị chứng khoán toàn cầu trong suốt một năm qua.

"Cú sốc" Brexit khiến đồng bảng Anh trượt giá

Người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, là một cú sốc với thị trường. Ngay trước cuộc trưng cầu này, giới đầu tư tỏ ra khá tin tưởng vào khả năng nước Anh sẽ ở lại Liên minh châu Âu. Do vậy, thị trường toàn cầu thực sự sốc và cảm thấy bất an với kết quả nước Anh chọn giải pháp Brexit.

Những "cú sốc" làm chao đảo tài chính thế 2016 - Ảnh 1
Cú sốc Brexit khiến đồng bảng Anh trượt giá. Ảnh minh họa

Tại thời điểm kết quả kiểm phiếu xác nhận quyết định Brexit, đồng bảng Anh đã giảm 11,1%, xuống còn 1,3224 USD/bảng, mức thấp nhất trong 31 năm. Điều này cho thấy sự bất an của giới đầu tư đối với tương lai của nước Anh khi đứng ngoài EU. Trong ba tháng sau đó, đồng bảng Anh dao động quanh mức 1,28-1,33 USD/bảng. 

Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 7/10, chỉ trong vòng hai phút, đồng bảng Anh đã bất ngờ giảm từ 1,26 USD/bảng xuống còn 1,18 USD/bảng, trong bối cảnh đồng bảng chịu nhiều sức ép kể từ sau khi Thủ tướng May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017. 

"Hiện tượng" Donald Trump

Dư chấn Brexit chưa qua, thế giới lại "xôn xao" vì cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ. Tuy sự kiện này có thể không gây nhiều xáo trộn như Brexit, nhưng cũng khá “ồn ào” và khiến các bên tham gia thị trường theo sát từng diễn biến của cuộc bầu cử.

Những "cú sốc" làm chao đảo tài chính thế 2016 - Ảnh 2
Thế giới "xôn xao" vì cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ

Trong vài giờ đồng hồ đầu tiên sau khi kết quả bầu cử được công bố, các thị trường chứng khoán đã mất điểm mạnh. Thị trường kỳ hạn của chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 800 điểm, trong khi giao dịch của chỉ số S&P 500 bị tạm ngưng, sau khi chỉ số này giảm tới 5%. 

Tuy nhiên, sau đó thị trường lại nhanh chóng phục hồi. Nhiều người đánh giá chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ thực hiện các biện pháp kích cầu thông qua chính sách nới lỏng tài chính, cắt giảm thuế và đơn giản hóa các quy định đối với hoạt động kinh doanh.  

Giới phân tích cũng lưu ý rằng các chính sách của chính quyền mới sẽ tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế Mỹ, song cũng sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát. Điều này có lẽ sẽ đặt dấu chấm hết cho “kỷ nguyên” trái phiếu lãi suất cực thấp. Trong tháng 12/2016, tổng giá trị trái phiếu lãi suất dưới 0% đã giảm xuống dưới mức 11.000 tỷ USD, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm và liên tục lập các mức kỷ lục.

OPEC trở lại và “lợi hại hơn xưa”

Cuối tháng 11/2016, các nước thành viên OPEC cuối cùng đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008 tại cuộc họp ở thủ đô Vienna (Áo) trong một nỗ lực nhằm vực dậy giá dầu thô. Bước sang tháng 12/2016, các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng tán thành việc giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ giá dầu thô.

Những "cú sốc" làm chao đảo tài chính thế 2016 - Ảnh 3
Cuối tháng 11/2016, các nước thành viên OPEC cuối cùng đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên

Tháng 12, khối đạt tiếp thỏa thuận với các nước phi thành viên, nhờ đó đẩy giá dầu tăng đáng kể.

Đây là quyết định sau một giai đoạn những nước sản xuất lớn như Arab Saudi phải chịu nỗi đau kinh tế dai dẳng vì giá dầu giảm.

"Núi" nợ Trung Quốc và "sức khỏe" đồng nhân dân tệ

Vào thời điểm cuối năm, vấn đề nợ của Trung Quốc cùng với tình trạng đồng NDT yếu là nhân tố chi phối những biến động trên thị trường. 

Nguy cơ Fed tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2017 khiến các nền kinh tế mới nổi gặp khó hơn trong việc trả nợ ngoại tệ. Trung Quốc không phải ngoại lệ.

Đồng USD mạnh lên sẽ làm ảnh hưởng khả năng bình ổn nội tệ và kìm hãm đà tháo vốn ròng của Trung Quốc. Do vây, Bắc Kinh sẽ phải đứng trước lựa chọn tăng chi phí cho vay lãi suất cho vay ngắn hạn. 

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục