Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023

Sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; đổi cách tính giá điện đối với người thuê nhà... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2023.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều kiện đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 - Ảnh 1

Theo đó, thành viên đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này trong thời gian doanh nghiệp đó đang hoạt động bán hàng đa cấp.

Đồng thời, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP bổ sung thêm điều kiện: Trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định "Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc".

Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ 1/6/2023.

Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.

Thay đổi hồ sơ khám sức khỏe, lao động nữ được khám phụ sản

Theo Thông tư 09/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20/6/2023, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản, gồm 4 nội dung: Khám phụ khoa; Sàng lọc ung thư cổ tử cung; Sàng lọc ung thư vú; Siêu âm tử cung- phần phụ (khi có chỉ định của bác sỹ khám).

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 - Ảnh 2

Cũng tại Thông tư mới, mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ tại Thông tư 14/2013/TT-BYT cũ đã được thay thế bằng mẫu sổ khám sức khoẻ định kỳ mới tại phụ lục 3a.

Bên cạnh đó, nội dung khám sức khoẻ định kỳ gồm: Nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; da liễu; phụ sản…

Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm

Thông tư 21/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023.

Theo đó, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.

Hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng cụ thể như sau: Công ty lâm nghiệp: 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã: 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 300.000 đồng/ha/năm.

100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử

Theo Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, từ 1/6/2023, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 - Ảnh 3

Thay đổi cách tính giá điện sinh hoạt với người thuê nhà

Thông tư 9/2023 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 15/6 quy định giá điện áp dụng với sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải hộ gia đình). Nếu hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và người thuê có đăng ký tạm trú, thường trú, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện.

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3, từ 101 đến 200 kWh (giá 2.074 đồng/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo tại công tơ. Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện. Bốn người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. Giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 4/5 dao động 1.728-3.015 đồng một kWh tùy bậc thang. 

Vũ Nam

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục