Những biến chứng nghiêm trọng khi dùng thuốc trị loãng xương

(Kinhdoanhnet) - Bisphosphonates được xem là một trong những thuốc đầu bảng trong phòng và điều trị loãng xương. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nhiều bệnh nhân phải từ chối điều trị tiếp.

Bisphosphonates (BP) là nhóm thuốc trong công thức hóa học có 2 nhóm phosphonat (PO3). Thuốc được nghiên cứu từ thế kỷ 19 nhưng đến thập kỷ 1960 mới được nghiên cứu thử nghiệm điều trị rối loạn chuyển hóa xương. Vào năm 1995, Bisphosphonates được FDA (Cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt để điều trị phòng ngừa loãng xương.

Những biến chứng nghiêm trọng khi dùng thuốc trị loãng xương - Ảnh 1
Bisphosphonates được xem là một trong những thuốc đầu bảng trong phòng và điều trị loãng xương

Thị trường hiện có hai loại BP khác nhau là nhóm không chứa nitrogen (clodronate; Etidronate; Tiludronate) và nhóm chứa nitrogen (Alendronate, Ibandronate, Olpadronate, Pamidronate, Risedronate, Zoledronate). 

Tác dụng chính của BP là giảm tiêu xương theo cơ chế sau: khi uống hay tiêm BP tác dụng bằng cách phát động quá trình tế bào hủy xương tự tử (quá trình apoptisis) nên có tác dụng ngăn chặn hay làm chậm quá trình hủy xương và gia tăng sự tích lũy canxi của cơ thể lên xương nên có tác dụng chống loãng xương làm tăng khối lượng xương và ngăn ngừa gãy xương. 

Hiện nay BP được xem là thuốc hàng đầu về điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho phụ nữ sau mãn kinh; người già; nam giới có nhiều nguy cơ loãng xương như: nghiện bia rượu thuốc lá; người phải dùng lâu dài thuốc kháng viêm glucocorticoide, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông heparin… Tuy nhiên, BP cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: viêm dạ dày thực quản và ung thư, hoại tử xương hàm, rụng răng, gãy xương đùi, vô sinh hiếm muộn. 

Những biến chứng nghiêm trọng khi dùng thuốc trị loãng xương - Ảnh 2
Bisphosphonates có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Đặc biệt, mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) còn khuyến cáo một nguy cơ nữa do thuốc gây ra là hoại tử xương ống tai ngoài và yêu cầu ghi thông tin liên quan đến nguy cơ này trong tờ thông tin sản phẩm của các thuốc bisphosphonates.

Để đưa ra khuyến cáo này, MHRA đã dựa trên 29 trường hợp hoại tử xương ống tai ngoài liên quan đến sử dụng bisphosphonat (ở cả dạng uống và tiêm tĩnh mạch) cho các trường hợp loãng xương và liên quan đến ung thư trong thời gian dài (từ 2 năm dùng thuốc trở lên). Người bệnh sử dụng đồng thời bisphosphonat với các thuốc steroid, hóa trị liệu có kèm hoặc không kèm các yếu tố nguy cơ tại chỗ như nhiễm khuẩn hoặc tổn thương có nguy cơ bị hoại tử xương ống tai ngoài cao hơn. 

Do vây, khi sử dụng loại thuốc này, MHRA khuyến cáo nhân viên y tế nên cân nhắc dùng thuốc bisphosphonat ở người bệnh gặp các hội chứng về tai như nhiễm trùng tai mạn tính hoặc trên bệnh nhân nghi ngờ có cholesteatoma. Đối với người bệnh, nếu thấy có biểu hiện đau tai, mủ tai hoặc nhiễm trùng tai trong khi sử dụng bisphosphonat thì cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ở Việt Nam, năm 2013, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP HCM đã phát hiện ba bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của thuốc bisphosphonates (BP), trong đó có hai bệnh nhân uống thuốc này để điều trị loãng xương.

Bác sĩ Bùi Hữu Lâm - phó khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP HCM cho biết: Khi sử dụng thuốc BP dạng truyền tĩnh mạch, 70% hàm lượng BP được giữ lại trong xương. Còn BP dạng uống chỉ có 10% BP được tích lũy trong xương. Dù ngưng sử dụng, lượng BP vẫn lưu giữ trong xương tới 11 năm sau mới được loại thải hết ra khỏi cơ thể. Nếu sử dụng BP dạng tĩnh mạch thì tác dụng phụ nhiều hơn, biến chứng sớm hơn, trung bình khoảng 12 tháng. Ở BP dạng uống, trung bình khoảng ba năm sau khi sử dụng thuốc mới có thể xảy ra biến chứng. 

Bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của BP có thể có biểu hiện như lộ xương ổ không gây triệu chứng, không đỏ hay chảy mủ hoặc bệnh nhân đau và có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ, đôi khi nhiễm trùng lan rộng, rò mủ, thậm chí cả gãy xương bệnh lý. Bệnh nhân có thể có bệnh sử điều trị nha khoa xâm lấn hoặc chấn thương do răng giả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không phát hiện điều gì bất thường trước đó.

Dung Nguyễn (Theo Sức khỏe & đời sống, Tuổi trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục