Chiều 27-6, chị Lê Mai Phương (ngụ quận 9, TP HCM) đi taxi từ Đồng Nai lên TP HCM với số tiền phải trả là 301.000 đồng. “Khi tôi đưa 350.000 đồng, tài xế taxi nói không có tiền lẻ nên chỉ trả lại 40.000 đồng, mong thông cảm và coi như số đó là “tiền bo” - chị Phương kể. Tình trạng tài xế taxi hoặc nhân viên các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ nói “không có tiền lẻ” để không trả lại tiền thừa cho khách không phải hiếm.
Trả tiền thừa bằng… kẹo
Ngày cuối tuần, tại một siêu thị trên xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, TP HCM), chị Nguyễn Thị Lan đang chờ thanh toán tiền mua hàng trước quầy thu ngân thì ngay phía trước, một khách hàng nữ tính tiền xong liền được nhân viên thu ngân trả lại tiền dư bằng… 2 cục kẹo! “Vị khách nữ theo thói quen cũng cất cả kẹo và tiền thừa vào túi mà không thắc mắc gì. Tôi thấy lạ hỏi thì nhân viên này giải thích do gần hết giờ đóng cửa siêu thị nên tiền lẻ tạm thời không còn, phải thay bằng kẹo” - chị Lan kể.
Một lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết tình trạng trả lại tiền thừa bằng… kẹo trước đây từng bị phản ánh và các siêu thị, trung tâm thương mại đã không còn áp dụng nên trường hợp này có thể cá biệt, do nhân viên tạm thời hết tiền lẻ hoặc “cố ý” để kiếm thêm.
Tại các máy ATM, người dân đến rút tiền đều nhận được tiền mệnh giá lớnẢnh: Hoàng Triều
Tiền lẻ trong kho quỹ còn nhiều, vì sao thị trường vẫn nói khan hiếm? “Tiền lẻ không khan hiếm trong kho quỹ của NH Nhà nước và các NH thương mại. Ngay tại kho quỹ của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng rất nhiều và khách hàng cá nhân, NH thương mại đến giao dịch còn được khuyến khích nhận tiền lẻ. Một số điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ nói không có tiền lẻ có thể là cớ để không trả lại tiền thừa cho khách hàng” - vị lãnh đạo này khẳng định.
Trong văn bản của NH Nhà nước vừa ban hành yêu cầu NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP và Sở Giao dịch NH Nhà nước đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ nhằm bảo đảm lưu thông tiền mặt thông suốt; tránh tình trạng thiếu tiền lẻ hoặc tồn đọng nhiều lượng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông ở các địa phương. Ngành NH sẽ tăng cường đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông, bao gồm tiền đã qua sử dụng, tiền mới in và phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình lưu thông tiền tệ để chủ động đáp ứng nhu cầu tiền lẻ của tổ chức tín dụng.
Đây không phải lần đầu tiên NH Nhà nước ra văn bản yêu cầu và chấn chỉnh tình trạng NH thương mại từ chối hoặc làm khó khách hàng có nhu cầu đổi tiền rách, tiền lẻ.
Điểm đáng lưu ý tại văn bản của NH Nhà nước ban hành lần này là các NH thương mại phải thu đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ rách nát, hư hỏng và không được từ chối hoặc thu phí đổi tiền lẻ. NH Nhà nước cũng không thu phí giao dịch đổi tiền hư hỏng, rách nát của các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước.
Nghèo mà xài sang!
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, vài năm nay, tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng rất ít được sử dụng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ hằng ngày. Một số tiểu thương ở các chợ còn từ chối nhận tiền 200 đồng, 500 đồng khi khách hàng trả. Ở nhiều siêu thị, nhà sách, bên cạnh quầy thu ngân thường có kèm thùng tiền từ thiện để khách hàng có tiền lẻ bỏ vào ủng hộ thay vì “không biết làm gì”.
“Rất nhiều lần đi siêu thị, được trả lại tiền thừa 200 đồng, 400 đồng nhưng tôi đều bỏ vào thùng từ thiện vì cầm về hôm sau đi chợ không dám trả” - chị Nguyễn Thị Lan bộc bạch. Trên thực tế, vài năm nay, tình hình lạm phát tăng cao khiến đồng tiền mất giá, tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, thậm chí 1.000 đồng, 2.000 đồng rất khó để mua được món hàng gì. Nhưng một số điểm bán hàng đã lợi dụng tâm lý “không có tiền lẻ” để bớt xén hoặc cố tình không trả tiền thừa cho người mua.
“Một ổ bánh mì, gói xôi cũng 10.000 đồng mà cầm càng nhiều tiền lẻ càng “cồng kềnh”, nặng túi nên tâm lý ai cũng thích mang theo tiền chẵn trong người” - ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, phân tích.
Lạm phát là một lý do nhưng thực tế người Việt mình có tâm lý “nghèo mà xài sang”, khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ dư vài trăm đồng hoặc 1.000-2.000 đồng thường không nhận lại. “Ở các nước quanh khu vực như Thái Lan, Singapore và cả Mỹ, chỉ cần dư 1 cent, người bán hàng cũng trả lại hoặc khách hàng sẽ… đòi” - ông Minh dẫn chứng.
Dưới góc độ đơn vị cung ứng tiền, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho biết sau khi nghe thông tin về việc khan hiếm tiền, ông đã kiểm tra phòng kho quỹ của NH và khẳng định “tiền lẻ mênh mông”. Thậm chí, NH còn khuyến khích khách hàng đến giao dịch nhận tiền lẻ. Mỗi ngày, rất nhiều khách hàng đến làm thủ tục đáo hạn sổ tiết kiệm, trả lãi vay… với số dư thường lẻ, NH sẽ phải trả đủ cho khách hàng đến số tiền lẻ tối đa có thể (tính bằng vài trăm đồng). “Bảo quản, kiểm kê tiền lẻ mất nhiều thời gian, công sức hơn nên NH rất muốn khách hàng nhận tiền lẻ chứ không để tồn quỹ quá nhiều” - vị này giải thích.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, khách hàng đến NH nên nhận lại tiền lẻ (nếu có) vì trung bình mỗi ngày một NH có hàng ngàn giao dịch, nếu ai cũng không nhận tiền lẻ dù chỉ vài trăm đồng thì tổng số tiền để lại cho NH sẽ lên tới hàng triệu đồng.
Tiền lẻ nhiều sao mỗi khi khách hàng đến đổi hoặc đổi tiền rách, nát thường bị làm khó, thậm chí thu phí? Lãnh đạo một số NH khẳng định chủ trương thu phí khách hàng khi đổi tiền lẻ, tiền rách là không có. “Có chăng, chỉ một vài nhân viên kho quỹ không muốn đổi tiền lẻ, tiền rách cho khách vì mất thời gian lại không được thu phí nên cố tình nói mất phí để khách hàng không đổi hoặc đi nơi khác nhưng đây là trường hợp cá biệt. Với quy định của NH Nhà nước lần này, tôi nghĩ các NH thương mại sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt” - vị lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM nhận xét.
Theo NLĐ