Nhiều ngân hàng triển khai các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp

Loạt ngân hàng như TPBank, ABBank, HDBank,... đã công bố công khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như: doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp phát triển xanh. Theo đó, nhiều ngân hàng đã công bố công khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm ‘cứu’ doanh nghiệp.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Đơn cử TPBank vừa triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Trong đó dành 2.000 tỷ đồng hạn mức ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển xanh, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, phát triển xanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, khách hàng có sử dụng đa dịch vụ của ngân hàng…

Mức ưu đãi lãi suất sẽ được giảm 1,5% - 2% so với lãi suất thông thường, với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ giảm thêm 0,2% so với mức ưu đãi trên.

TPBank cũng đồng thời triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất tối đa là 2,5% so với lãi suất áp dụng tại biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo.

Tương tự, ngân hàng ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, từ 6/12/2022 đến 31/1/2023, đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.

Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.

Đồng thời với hỗ trợ lãi vay, ACB còn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch tài khoản trên ngân hàng số ACB One; Gói phí thanh toán quốc tế giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; Hoàn tiền 2-10% khi sử dụng các loại thẻ tại ACB;... nhằm giúp khách hàng tận hưởng nhiều lợi ích để quản lý chi phí hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ABBank đã triển khai Chương trình "Hưởng vay ưu đãi - Vững lái kinh doanh" với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, với tổng hạn mức 350 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay 1%/năm đến hết năm 2022 với các khoản vay bằng VND cho khách hàng hiện hữu. HDBank giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như BIDV, Agribank, Eximbank, MB, Techcombank,… cũng đã thông báo chương trình giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng trong dịp cuối năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

"Để hỗ trợ nền kinh tế sau khi NHNN nới room tín dụng và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Dòng vốn cũng được định hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ", ông Hùng cho hay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1156 về cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu NHNN phải có biện pháp kịp thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

 

Hoàng Long (t/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục