Thu nợ bằng nhiều cách
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến thời điểm 30/9, theo quy định các TCTD phải hoàn thành cơ bản mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%, nhưng hiện nhiều NH đã đạt được mục tiêu này.
Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, trong 5 năm qua, gần như toàn bộ NH này tập trung xử lý nợ xấu với nhiều biện pháp: đôn đốc, ráo riết thu hồi các khoản nợ cũ; xử lý tài sản đảm bảo… Kết quả là đã giúp đưa tỷ lệ nợ xấu từ dưới 7% về mức chỉ 0,68%. Hay như tại OCB, đến thời điểm này, nợ xấu tại NH đã ở mức dưới 3%. Từ nay đến cuối năm, nếu các khoản nợ thu hồi tốt thì nợ xấu thậm chí xuống dưới 1%.
Các NH đã phối hợp với VAMC xử lý được một khối lượng nợ xấu không nhỏ
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ thêm, ông chưa bao giờ cảm thấy hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu lại được triển khai quyết liệt như những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2015. Đơn cử, nếu như trong năm 2014, NH này đã xử lý được 1.400 tỷ đồng nợ xấu, thì trong 6 tháng đầu năm 2015, OCB cũng thu được 651 tỷ đồng nợ (trong đó có 200 tỷ đồng là thu từ VAMC).
Theo tiết lộ của ông Tùng, thu nợ đạt kết quả tích cực là nhờ NH đa dạng cách thức thu nợ như thông qua đàm phán, miễn giảm lãi... Có trường hợp khách hàng đầu tư lớn được NH tạo điều kiện tái cấu trúc DN. Đối với cho vay tái cấu trúc DN, NH giải quyết đồng thời một lúc hai vấn đề. Một là thông qua việc nhà đầu tư mới mua lại, nên người vay cũ có tiền trả nợ NH và họ thoát khỏi bế tắc. Mặt khác, NH lại có thêm khách hàng mới là NĐT vào DN. “Hiện có những khoản cho vay NĐT mới đang làm rất tốt”, ông Tùng cho biết thêm.
Tại VietinBank, để đưa nợ xấu của NH này về xấp xỉ 1,1%, cùng với việc bán nợ xấu cho VAMC theo kế hoạch được giao, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, NH tự xử lý được một khối lượng nợ xấu không nhỏ. Tất nhiên để làm được như vậy, NH cũng phải hy sinh quyền lợi, chia sẻ khó khăn với những khách hàng có nợ xấu để cùng nhau xử lý và hài hòa lợi ích của hai bên.
Bán nợ xấu cho VAMC, tự thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo… là giải pháp mà hầu hết các NH thực hiện trong suốt thời gian qua, nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu. Theo số liệu của VAMC, tính đến 14/7, NH đăng ký bán nợ cho VAMC nhiều nhất là hơn 15 nghìn tỷ đồng, đã được VAMC mua hơn 10,6 nghìn tỷ đồng. Nhưng cũng có TCTD chỉ đăng ký bán 17 tỷ đồng.
Việc NH thận trọng bán nợ cho VAMC cũng được Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: Đặt vấn đề bán nợ xấu cho VAMC là nhiệm vụ của NH. Nhưng họ cũng phải căn cứ vào thực lực tài chính của mình, xem khả năng có thể chịu được khi bán nợ xấu cho VAMC không. Vì bán nợ xấu cho VAMC là NH phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó, tùy từng NH...
“Đến thời điểm này cũng không còn nhiều thời gian để các NH chần chừ bán nợ nữa. NH phải rà soát thực lực tài chính, khả năng tự xử lý để tính con số nợ xấu bán cho VAMC. Việc bán nợ xấu phải vừa đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu giảm xuống theo quy định của NHNN, vừa đảm bảo kế hoạch tài chính để TCTD hoạt động một cách ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đầu tư cho nền kinh tế”, ông Hùng lưu ý.
Bán nợ xấu, NH chưa hết trách nhiệm
Qua con số mua nợ của VAMC lên tới hơn 182 nghìn tỷ đồng, trong khi bán nợ chỉ hơn 9 nghìn tỷ đồng, sự chênh lệch đó dẫn đến những nghi ngại, thay vì tự xử lý thì các NH ỉ lại bán tháo nợ cho VAMC để nhanh chóng làm đẹp sổ sách? Không phủ nhận VAMC tạo hành lang kỹ thuật giúp NH nhanh chóng giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, với một khối lượng nợ xấu lớn như vậy, một mình NH không thể tự xử lý ngay trong một thời gian ngắn.
Có một điều mà dư luận chưa hiểu thấu đáo đó là nợ bán cho VAMC không có nghĩa là các NH coi như hết trách nhiệm. Mà thực ra, các NH tiếp tục phối hợp với VAMC để thu nợ khách hàng, hoặc họ được VAMC ủy quyền tự xử lý khoản đó, nên tốc độ triển khai thu nợ không thay đổi.
“Dù bán nợ cho VAMC và tạm thời con số nợ xấu đã ra khỏi sổ sách, báo cáo, nhưng qua theo dõi kiểm soát nội bộ thì NH vẫn coi đó là khoản nợ xấu và phân công cán bộ đôn đốc thu nợ. Cách quản lý với khoản nợ bán cho VAMC không khác gì những khoản nợ xấu mà NH đang quản lý. Có chăng là sự phối hợp với VAMC để đẩy nhanh hơn tốc độ xử lý”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Trao đổi với phóng viên, một số lãnh đạo NHTM bày tỏ, số tiền mỗi năm NH phải trích lập 20% dự phòng trên số nợ bán cho VAMC không hề ít. Mặt khác, VAMC cũng khá “kỹ tính” khi mua các khoản nợ xấu. Vì thế, không phải khoản nợ xấu nào NH muốn bán cũng bán được.
Vậy nên mới có chuyện với một khoản nợ nhóm 3, khi đã bán cho VAMC thì không cần biết giá trị tài sản đảm bảo là bao nhiêu, NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% và buộc phải “chia sẻ” quyền lợi, trách nhiệm với VAMC. Trong khi nếu để lại, NH cũng chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% mà có toàn quyền tự quyết. Nhưng muốn tồn tại được các NH phải đẩy nhanh tốc độ xử lý, thu hồi nợ để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
“Cho nên tôi cho rằng, bán nợ xấu cho VAMC, NH vẫn không hề dễ thở. Tuy áp lực tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng NH đối mặt áp lực chi phí không kém. Vì vậy, có thể khẳng định NH bán nợ xấu cho VAMC không phải rồi để đấy, thậm chí còn phải xử lý nhiệt tình hơn”, lãnh đạo một NH bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia khác khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của VAMC, mua nợ xấu từ các TCTD và hợp tác cùng xử lý, thì có thể hàng nghìn DN không tiếp cận được nguồn tín dụng mới từ các NH. Vì nếu nợ xấu vẫn ở mức cao, chắc chắn NH chùn tay cho vay.
Con số tăng trưởng tín dụng đến hết 30/6 tăng 7,83% - cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây - cho thấy việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đã thực sự phát huy hiệu quả, dòng vốn lưu chuyển thông suốt hơn và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế chứ không phải chỉ “làm đẹp” báo cáo tài chính của các NH.
Theo TBNH