Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 19/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã công bố kế hoạch mua lại một công ty tài chính nhưng chưa cho biết dự định sẽ mua công ty nào.
Sau đó một số phương tiện truyền thông cho biết SHB sẽ mua lại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).
Tuy nhiên, ngoài SHB, cũng có tin VietinBank cũng muốn mua VVF. Hiện nay, kế hoạch tái cấu trúc của VVF đang được trình lên các cơ quan chức năng để xin ý kiến.
VVF có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng (tương đương 47,6 triệu USD), trong đó Vinaconex sở hữu 33% và Viettel sở hữu 21%. Hai tập đoàn này hiện đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi VVF.
Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Phát triển thịnh vượng (VPBank) cho biết sẽ mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sau khi được Thủ tướng Chính phủ và NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Maritime Bank đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của Vinatex tại công ty này (64,1%).
Trước đó, tại ĐHCĐ Maritime Bank diễn ra vào tháng 4/2014, lãnh đạo ngân hàng này đã úp mở việc mua lại một công ty tài chính.
Sau thương vụ của Maritime Bank, đầu tháng 6 này,, VPBank cũng đã chính thức thông báo mua lại công ty TNHH Một thành viên tài chính Than- Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sau khi được Thủ tướng Chính phủ và NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Một thương vụ nữa cũng đang được đồn đoán là SHB mua lại Công ty tài chính Vietel - Vinaconex.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng Phát triển TP HCM mua lại Công ty tài chính Việt-Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty tài chính HDBank, vốn điều lệ 550 tỷ đồng, do HDBank sở hữu 100%, hay như vụ hợp nhất giữa Tổng công ty tài chính PVFC với Ngân hàng Phương Tây....
Phó tổng giám đốc của HDBank Lê Thành Trung cũng chia sẻ, việc mua lại công ty tài chính là để thâm nhập mảng tín dụng tiêu dùng, vốn được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng ngân hàng thâu tóm công ty tài chính đang được thúc đẩy.
Thứ nhất, các ngân hàng muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính. Đối tượng cho vay của các công ty tài chính khá riêng biệt, phục vụ chủ yếu các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ với các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Đây là phân khúc mà các ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh và điều này có thể thực hiện được thông qua mua lại công ty tài chính. Thêm nữa, nghị định 39/2014/ NĐ-CP đã cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán.
Thứ hai, đây là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng mua lại các công ty tài chính. Phía “cung” đang ở giai đoạn tăng khi các tập đoàn NN đang được yêu cầu gấp rút hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có phần đầu tư vào các công ty tài chính. Phía “cầu” cũng khởi sắc khi như phân tích ở trên, các ngân hàng có nhiều động lực để mua lại công ty tài chính nhằm phát triển bán lẻ và cho vay tiêu dùng.
Danh sách 17 công ty tài chính
Nhiều chuyên gia nhận định rằng sắp tới làn sóng các ngân hàng thương mại thâu tóm các công ty tài chính sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa.
Điều này cũng phù hợp với kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, năm nay cơ quan này sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các "thể trạng" hoạt động lành mạnh hơn. Các công ty tài chính trong nước còn lại sẽ trở thành "mục tiêu" mà các ngân hàng tiếp tục mua lại.
P.N.(Tổng hợp)