Nhà nước sẽ đẩy mạnh tái cơ ngân hàng trong năm 2015

Năm 2014 qua đi nhưng việc thực hiện đề án “ Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” vẫn còn đang hết sức chậm chạp, chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Năm 2015, Nhà nước sẽ tìm kiếm các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn nữa nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu này.

Lộ trình thực hiện Đề án “ Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” đã bước vào năm cuối. Đến nay, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) giảm đi là 7 tổ chức, trong đó có 04 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và 01 NHTM CP hợp nhất với Công ty tài chính cổ phần. Kết quả bước đầu là ngăn chặn nguy cơ rủi ro, đổ vỡ hệ thống, nâng lên một bước các chỉ số an toàn của các TCTD… Tuy nhiên, so với lộ trình đặt ra thì quá trình cơ cấu TCTD những năm qua bị đánh giá là vẫn còn chậm. Kết quả thực hiện Đề án đến cuối năm nay sẽ là “phép thử” quyết tâm của Nhà nước.

Hầu hết các vụ sáp nhập, hợp nhất các TCTD thời gian qua đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Nguyên nhân, NHNN chưa muốn có sự can thiệp mạnh trong bối cảnh chất lượng tài sản, nợ xấu của nhiều TCTD còn bất ổn; nguồn lực tài chính của một số TCTD phân tán không thể tập trung cho cơ cấu lại; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối vẫn còn phức tạp, niềm tin thị trường vào hệ thống ngân hàng tuy đã nâng lên nhưng chưa thật vững chắc trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn những bất ổn...

Nhiều áp lực đối với tái cơ cấu TCTD. Trước hết là những thách thức của các nhóm lợi ích (điều này cũng dễ hiểu vì “đồng tiền liền khúc ruột”). Tiếp theo là vấn đề vốn của các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chinh, quản trị để tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD. Ủy viên HĐQT của một NHTMCP yếu kém nói: “Chi phí xử lý cũng là một vấn đề rất gay go. Nếu một vài ngân hàng đã phát sinh lỗ và gây thiệt hại thì ai là người sẽ phải gánh chịu thiệt hại đó và NHNN sẽ đóng vai trò gì trong việc xử lý những khoản thua lỗ và thiệt hại này?”.

Tuy bối cảnh kinh tế-xã hội-khung khổ pháp luật năm 2015 chưa thể có những đột phá, nhưng với các yếu tố thuận lợi như: tình hình thanh khoản VND dư thừa, thị trường vàng ổn định, tỷ giá trong tầm kiểm soát, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, thị trường có niềm tin với điều hành chính sách, tín nhiệm cao của Quốc hội…cộng thêm vào đó là những kinh nghiệm xử lý (chỉ đạo việc sáp nhập, hợp nhất, hợp tác chiến lược và xử lý khủng hoảng truyền thông các NHTM…) trong những năm qua giúp Nhà nước, mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể mạnh tay hơn với tái cơ cấu.

Xét về lực và mục tiêu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực thì năm nay các NHTM Nhà nước sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tái cơ cấu. Không chỉ là những ký kết hợp tác với các NHTMCP yếu kém như thời gian qua, tái cơ cấu thời gian tới sẽ là hoạt động mua/bán, sáp nhập thực thụ và có sự can thiệp của Nhà nước theo các quy định pháp luật.

Chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng khác được NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) đưa ra tại đại hội cổ đông bất thường ngày 25/12/2014 vừa qua là một thông tin đáng chú ý. Nếu vụ sáp nhập này thành hiện thực thì một trong những ngân hàng được xây dựng thành số một của Việt Nam đã lộ diện.

Năm 2015, thị trường sẽ chứng kiến các biện pháp can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước, và số lượng các TCTD phải tái cơ cấu có thể tương đương hoặc nhiều hơn số các TCTD đã tái cơ cấu trong thời gian qua (vì có như vậy mới xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém và thực hiện được về cơ bản các nội dung của Đề án tái cơ cấu).

Về ngắn hạn, có thể có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội khi các quyết định mua/bán, sáp nhập, tái cơ cấu các TCTD phát ra, nhưng chắc chắn một điều là Nhà nước sẽ thận trọng để không ảnh hưởng đến lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ hệ thống. Từng vụ việc sẽ được xử lý nhanh và ổn định sớm.

Về trung và dài hạn, việc Nhà nước can thiệp mạnh mẽ hơn vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ giúp xây dựng lại một hệ thống ngân hàng lành mạnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả thế giới, và từ đó nâng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo NDH

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục