Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng (gọi tắt là Cục Giám định) vừa chính thức lên tiếng khẳng định công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống - GĐ 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.”
Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Dự án cung cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc, khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) còn giữ vai trò Chủ tịch hàng loạt các công ty như: Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, Công ty CP Nước Xuân Mai - Hoà Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), kiêm Hiệu trưởng trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM)
|
Cục Giám định cho biết: Theo quy định của pháp luật, về công tác kiểm tra, công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I thì chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
“Chúng tôi đã một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I (bao gồm IA và IB) và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường.
Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu”, Cục Giám định thông tin.
Về việc lựa chọn vật liệu ống cho công trình, Cục Giám định cho hay: Đối với dự án này, có 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, cụ thể trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Các cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng trong công trình phải đảm bảo các các yêu cầu kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và các quy định pháp luật có liên quan. Do chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng như đã nêu trên, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước (gang dẻo), nên Cục Giám sẽ có ý kiến sau khi nhận được đầy đủ các hồ sơ của Chủ đầu tư.
Vì vậy, sau khi Công ty CP Nước mặt Sông Đuống hoàn thành đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng gửi về Bộ phận một cửa của Bộ Xây dựng, Cục Giám định sẽ xem xét các hồ sơ, tài liệu giải trình và sẽ có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư theo quy định.
Ngày 30/8, Cục này cũng đã ra văn bản 447/GĐ-GĐ3 khẳng định sự cố vỡ đường ống ngày 03/06/2019 tại vị trí chân cầu vượt Phú Thuỵ, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảo bảo các yêu cầu theo thiết kế.
Văn bản 447/GĐ-GĐ3 của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng
Để làm rõ hơn thông tin, PV Báo Giao thông đã liên hệ, gửi câu hỏi đến Công ty CP nước mặt sông Đuống, chủ đầu tư dự án nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống ngày 6/9
Trước đó, ngày 6/9, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống rầm rộ khánh thành tại Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), bao gồm hai hợp phần chính gồm Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 đến 1800mm) dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.
Công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Theo Mã Lương/Baogiaothong