Nhà đầu tư nội “tranh nhau” mua Vinamotor

(Kinhdoanhnet) – Tính đến thời điểm này đã có ít nhất 4 nhà đầu tư nội tỏ rõ ý muốn trở thành ông chủ mới của Vinamotor - Công ty cổ phần.

Mặc dù được đánh giá là một doanh nghiệp không mạnh về sản xuất, lắp ráp, yếu kém về quản trị tuy nhiên Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor - Công ty cổ phần) lại đang thu hút được sự quan tâm chú ý của rất nhiều nhà đầu tư nội.

Cách đây một khoảng thời gian ngắn hai ông lớn là  công ty như Công ty cổ phần Ô tô TMT và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom) đã lên tiếng muốn mua cổ phần tại Vinamotor và trở thành cổ đông chiến lược tại công ty này.

Không chỉ có hai vị đại gia trên muốn “thâu tóm” vinamotor, mới đây Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) cũng đã bắt đầu để mắt tới công ty này. Cụ thể Vinamco đã có đơn gửi Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin “được quan tâm giúp đỡ” để trở thành cổ đông chiến lược của Vinamotor.

Nhà đầu tư nội “tranh nhau” mua Vinamotor
Nhà đầu tư nội “tranh nhau” mua Vinamotor.

Tuy trong đơn đề xuất Vinamco không nói rõ lượng cổ phần mà họ muốn mua từ sở hữu nhà nước tại Vinamotor - Công ty cổ phần, song có thể chắc chắn một điều đơn vị này sẽ không thực hiện góp vốn nếu chỉ để đổi lấy một ghế hội đồng quản trị bình thường.

Vinamco hiện đang sở hữu một thương hiệu khá nổi tiếng trong giới buôn xe ô tô ở Hà Nội, đó là showroom Honda Ô tô Tây Hồ tại 197A - đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Với số vốn điều lệ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng Vinamco rõ rang không phải là một nhà đầu tư “dạng vừa” đối với Vinamotor.

Khác với Vinamco, Công ty cổ phần Thành Công Ninh Bình lại thể hiện rõ quyết tâm của mình bằng việc xin tiếp quản toàn bộ phần vốn Nhà nước dự định thoái tại Vinamotor.

Công ty cổ phần Thành Công Ninh Bình được biết đến là một công ty con của Tập đoàn Thành Công (HTC), công ty có trụ sở chính tại Ninh Bình, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và phân phối ôtô du lịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp này được biết đến nhiều hơn với tư cách là một đại lý phân phối các dòng xe du lịch và xe tải nhẹ Hyundai đồng thời là cơ sở bảo dưỡng thay thế phụ tùng chính hiệu của hãng xe Hàn Quốc.

Việc có tới 4 nhà đầu tư nội muốn trở thành ông chủ mới của Vinamotor được cho là khá bất ngờ. Nguyên nhân là do trước đó Nhà nước đã chủ trương bán 51% cổ phần tại Vinamotor tuy nhiên kết quả lại chỉ bán được chưa tới 10% trong số 51 triệu cổ phần chào bán.

Cuộc đua sở hữu Vinamotor chỉ nóng lên sau khi Chính phủ bất ngờ cho Bộ GTVT tiến hành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor. Đây cũng là lý do chính giúp cho cổ phiếu Vinamotor đột nhiên đắt hàng.

Anh Công (TH theo bao Dautu; Vnexpress; LĐ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục