Nguyên nhân hàng loạt dự án điện gió thua lỗ hàng trăm tỷ đồng ?

Hàng loạt công ty điện gió hiện đang điêu đứng vì sử dụng đòn bẩy tài chính cao, lãi suất trái phiếu lên đến hàng trăm tỷ khiến dòng tiền âm.

Các doanh nghiệp điện gió vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Số liệu cho thấy các dự án điện gió lỗ nặng hầu hết đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư dự án.

Đáng chú ý nhất là Công ty Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thuộc tập đoàn Trung Nam) - đang vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW - mới báo lỗ khủng 859 tỷ đồng.

Dùng đòn bẩy tài chính trong thời điểm lãi suất tăng cao, chi phí lãi vay nặng khiến nhiều công ty điện gió thua lỗ hàng trăm tỷ.
Dùng đòn bẩy tài chính trong thời điểm lãi suất tăng cao, chi phí lãi vay nặng khiến nhiều công ty điện gió thua lỗ hàng trăm tỷ.

Công ty Cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa 1 năm 2021 lãi 7 tỷ đồng nhưng đến năm 2022 lỗ 209 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa 2 năm 2021 lãi 4,5 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 201 tỷ đồng; Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Đại Dương năm 2021 lãi 2,1 tỷ đồng nhưng năm 2022 lỗ tới 154 tỷ đồng.  

Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 (lãi 4,6 tỉ đồng năm 2021, lỗ 60,3 tỉ đồng năm 2022); CTCP Năng lượng Bắc Phương (lãi 10,9 tỉ đồng năm 2021, lỗ 31,5 tỉ đồng năm 2022). 

Ở nhóm Hoàng Sơn Group, năm 2022, hai thành viên hoạt động trong mảng điện gió là CTCP Phong điện Chơ Long và CTCP Phong điện Yang Trung cũng lần lượt báo lỗ 35,6 tỉ đồng và 90,8 tỉ đồng trong năm 2022. Trước đó, năm 2021, Phong điện Chơ Long lãi sau thuế 14,6 tỉ đồng, còn Phong điện Yang Trung lãi sau thuế 0,56 tỉ đồng. 

Hay như Tập đoàn Bamboo Capital - đơn vị đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam - năm vừa rồi chỉ hoàn thành 24,8% kế hoạch về lợi nhuận.   

Theo báo cáo của EVN, có 84 dự án điện gió với tổng công suất gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021, hạn cuối để ghi nhận giá bán điện ưu đãi. Nhưng kết quả kinh doanh của một số đại diện trong năm 2022 vẫn không mấy sáng sủa. 

Mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21 ngày 7/1/2023. Khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn từ 21-29% so với cơ chế giá FIT (Cơ chế giá điện hỗ trợ cho các nhà sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, khung giá mới thấp hơn dự kiến cũng phần nào gây hụt hẫng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo.  

Theo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), mặt bằng giá mới giảm quá sâu sẽ dẫn đến dòng tiền và lợi nhuận âm, không đủ chi trả cho các khoản chi phí hoạt động, nhất là chi phí lãi vay và nợ gốc trong cùng kỳ theo năm tài chính. 

Theo đó, tổng chi phí lãi vay và nợ gốc trong kỳ lên tới gần 10.000 tỷ đồng trong khi đó EBITDA chỉ đạt quanh mốc 9.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có dòng tiền âm trung bình hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng chưa kể đến các chi phí khác như sửa chữa và bảo dưỡng, trượt giá, thuế và lạm phát. 

Có thể thấy, các doanh nghiệp điện gió đang đối mặt với áp lực chi phí khá lớn khi cấu trúc nguồn vốn phần lớn đến từ nợ vay, nhất là việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Việc vay nợ với tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn sẽ kéo theo chi phí lãi vay của các dự án điện tái tạo lên cao, từ đó gây ra áp lực không nhỏ về dòng tiền trả nợ mỗi năm cũng như sẽ ăn mòn hết lợi nhuận. 

Dự án Ea Nam của Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 ghi nhận nợ phải trả hơn 12.100 tỷ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn trong đó là nợ trái phiếu còn khoảng 9.800 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tình hình thanh toán năm 2022, Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 đã phải trả lãi đến 935 tỷ đồng cho các lô trái phiếu hiện hữu và trả nợ gốc 205 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này lỗ đậm năm ngoái. 

Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1 và 2, Yang Trung, Chơ Long, Hòa Đông 2… cũng ghi nhận hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khoảng 4-6 lần. Công ty Yang Trung năm ngoái phải thanh toán hơn 110 tỷ đồng tiền lãi vay trái phiếu, Điện gió Bắc Phương cũng phải trả 38 tỷ đồng. Bộ đôi dự án Ia Pết Đăk Đoa trả lãi vay trái phiếu khoảng 84 tỷ đồng... 

Trước tình trạng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu khiến mặt bằng lãi suất tăng cao trong năm vừa qua đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó, nhất là các đơn vị có đòn bẩy tài chính cao như ngành điện tái tạo và bất động sản.  

Đối với các doanh nghiệp điện gió, trong khi giá mua điện ưu đãi đã được đặt cố định trong vòng 20 năm, khả năng thua lỗ của các dự án sẽ liên tục tiếp diễn khi chí phí tài chính ngày càng tăng lên. Với các dự án không được mua giá điện ưu đãi, tình huống thậm chí còn trở nên khó hơn.  

Trước thực trạng trên, các chuyên gia của VNDirect có lời khuyến cáo các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời cho hoạt động kinh doanh.  

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục