Người ta nghĩ một cốc cà phê Starbucks ở Mỹ rất đắt. Tuy nhiên, sự thật thì uống cà phê ở Nga mới là đắt nhất.
Theo Marketwatch.com, chỉ số “Latte Index” của ValuePenguin, một công ty cung cấp dịch vụ thông tin, cho thấy giá thực chất của một cốc cà phê Starbucks ở Nga là 12,32 USD khi so sánh tương quan với các loại hàng hóa khác, gồm thức ăn.
Trong khi đó, giá trung bình của một cốc cà phê Starbucks ở Mỹ chỉ 2,75 USD.
Giá bán trung bình của một cốc cà phê Starbucks tại nhiều nước. Ảnh: ValuePenguin
Thay vì chỉ đơn giản chuyển đổi giá theo đơn vị tiền tệ, ValuePenguin đã phân tích chi phí tương đối của loại đồ uống này ở 44 quốc gia, sử dụng dữ liệu từ Euromonitor International và một công cụ chuyển đổi dùng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Đối với các quốc gia châu Á, mức giá cho một sản phẩm Starbucks mà người dùng thực sự chi trả cao hơn nhiều so với các quốc gia tại châu Âu hay Bắc Mỹ. Giá một sản phẩm này tại Việt Nam theo tính toán của ValuePenguin khoảng 8,18 USD, đứng thứ 3 trong danh sách 44 quốc gia mà thương hiệu này có mặt và đứng thứ 2 trong khu vực chỉ sau Indonesia (8,21 USD).
Giá của cốc Starburks tại Việt Nam rơi vào khoảng 8,18 USD, đứng thứ 3 trong danh sách 44 quốc gia và xếp thứ hai trong khu vực.
Hai quốc gia đứng phía sau Việt Nam là Thái Lan và Ấn Độ với mức giá lần lượt là 8,04 USD và 7,99 USD.
“Con số mà chúng tôi đưa ra dựa trên điều kiện sống tại từng quốc gia, mức thu nhập và mức giá tại một trong số các cửa hàng Starbucks ở địa phương”, biên tập viên mục Nội dung tiêu dùng của ValuePenguin, Paul Reynolds, viết trong một bài báo gần đây.
Theo bài báo, kết quả thống kê có thể cho thấy giá hàng hóa và dịch vụ ở các nước đang rẻ hơn so với Mỹ, quê hương của Starbucks và cũng giải thích tại sao việc dùng sản phẩm này được coi là một thương hiệu “sang chảnh” - hiện thân của sự giàu có và cao cấp kiểu Mỹ.
Phương Anh