Người lao động và những nỗi lo khi Tết về

Chi phí về quê ăn Tết ngày một cao, cộng thêm với đó là quà cáp, là mua sắm, là đóng góp… khiến không ít người tỏ ra “sợ Tết”, nhất là với những người lao động phổ thông đang cố gắng từng ngày giành giật lấy việc làm.

Sợ Tết là có thật

Ba năm nay, anh Trung, 40 tuổi, công nhân tại Bình Dương, không dám về Huế ăn Tết. Thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 15 triệu/tháng, vừa phải trả tiền trọ, vừa phải nuôi hai con nhỏ nên ăn Tết ở quê vẫn chỉ là ước mơ. Anh nhẩm tính chỉ tiền xe khách đi về cho 4 người cũng mất khoảng 8 triệu, cộng thêm quà cáp cũng “bay” cả tháng lương của hai vợ chồng. Đó là chưa kể đến các khoản đóng góp khác. “Thèm được sum vầy lắm nhưng nghĩ đến những khoản không thể không chi ấy lại sợ, riết rồi sợ Tết luôn. Về quê ăn Tết là “dứt” 3-4 tháng lương không chừng!”

Người lao động và những nỗi lo khi Tết về  - Ảnh 1

Chi phí di chuyển chỉ là một trong những lý do khiến 5 năm nay, chị Hoa không về quê ăn Tết dù chị là kế toán cho một công ty liên doanh tại Đồng Nai, thu nhập cũng có phần “nhỉnh” hơn những công nhân khác. Điều chị lo lắng nhất  là các khoản chi tiêu mua sắm dịp Tết luôn tốn gấp rưỡi, gấp đôi bình thường và người đi làm xa thường “bị” gánh vác những khoản chi như thế. Đó là chưa kể vào dịp Tết, nhiều dòng họ, nhiều chi tộc sẽ yêu cầu đóng góp tu sửa mồ mả, nhà thờ… Đây là một khoản chi lớn nhưng khó có thể chối từ.

Tết 2024, khó càng thêm khó

Sợ Tết không phải giờ mới có nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì tâm lý này lại càng rõ nét. Nửa cuối 2023, khó khăn kinh tế đã tác động tới người lao động phổ thông. Nhiều dãy nhà trọ vắng người thuê, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, nhiều công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc vì hàng hóa đình trệ, không xuất khẩu được, sức mua kém… là những gì đang diễn ra. Theo Tổng cục thống kê, trong quý 3/2023, hơn 118.000 lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Bình Dương còn trong 9 tháng đầu năm, có hơn 1 triệu người thất nghiệp trên tổng số khoảng 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Đây mới chỉ là những con số ban đầu và ảnh hưởng của nó đến đời sống của người lao động là vô cùng lớn.

Mất việc, thu nhập giảm nhưng nỗi lo tài chính thì vẫn còn đó, thậm chí gay gắt hơn vào mùa Tết, dù có về quê hay không. Đó là lý do nhiều người vẫn cố bám trụ tại thành phố, tìm bất cứ công việc gì có thể để nuôi sống bản thân và gia đình. Giải pháp ưu tiên là nhận bất cứ công việc thời vụ nào, từ chạy xe ôm đến làm việc chân tay tại những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay phụ bếp, phụ việc quán ăn… Cũng có người chuyển hẳn qua làm shipper hay giúp việc nhà theo giờ - những công việc phổ thông “thời thượng” trước đây nhưng nay cũng đã giảm thu do có nhiều người cùng nhận việc trong khi nhu cầu thì ít đi. Tất cả chỉ mong một ngày Tết có cái bánh chưng, nồi thịt kho và chờ đợi ngày các công ty tuyển người trở lại. Tỉ lệ 65% người lao động có việc làm phi chính thức đã phần nào phản ánh thực trạng này. Dường như có một sự bế tắc nào đó đang lấp ló trong những đôi mắt đang đau đáu hướng về quê hương.

Người lao động và những nỗi lo khi Tết về  - Ảnh 2

Giải pháp hỗ trợ tài chính mùa Tết

Hỗ trợ tài chính cho người mất việc là điều nhà nước và xã hội đã làm nhưng hiệu quả thì vẫn hạn chế. Các gói hỗ trợ của nhà nước tuy đến đúng đối tượng nhưng không thể phủ khắp. Việc làm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thì cũng có hạn. Chủ động kinh doanh online những sản vật quê nhà hay sản xuất, gia công những vật dụng thường dùng ngày Tết thì khả thi hơn nhưng đa phần lại không có vốn. Vì thế, “co kéo” cho một cái Tết yên ấm vẫn là điều gì đó hơi xa vời. Các ngân hàng, công ty tài chính tuy có những gói vay tín chấp nhưng người lao động phổ thông, thất nghiệp thường không thể đáp ứng điều kiện vay. Vay cầm cố để kinh doanh, để chi tiêu ngày Tết thì phù hợp, dễ dàng hơn nhưng nhiều người vẫn còn định kiến với việc vay cầm đồm qua đó tự giới hạn cơ hội buôn bán của mình. Thậm chí, chính những chuỗi cầm đồ được xem là “có tóc” như F88 cũng từng phải “kêu trời” vì những định kiến của ngành nghề này và kết cục, người lao động hoặc không thể vay vốn, hoặc vay nhầm tín dụng đen khiến Tết khó càng thêm khó.

Chi phí cao, thu nhập bị ảnh hưởng, các giải pháp hỗ trợ tài chính thì khó tiếp cận chính là những rào cản khiến người lao động phổ thông ngày càng có tâm lý “sợ Tết” dù ai cũng mong muốn có được những giây phút sum vầy hạnh phúc bên gia đình.

PV

TEVN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục