Người dùng cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo và bẫy tín dụng 'đen'

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc cho người dân.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng không ngừng được nâng cấp, biến hóa tinh vi hơn để nhanh chóng vượt qua vòng tâm lý, thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo. 

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 2/2022, khoảng 72,1 triệu người dùng Internet tại Việt Nam với thời gian online trung bình 6 tiếng 38 phút. Không gian mạng trở thành địa điểm lý tưởng để các đối tượng thực hiện các phi vụ lừa đảo công nghệ cao quy mô và phức tạp.

Hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng đa dạng như một "ma trận" đánh vào tâm lý lo sợ, lợi ích tài chính hoặc sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo mạo danh các tổ chức để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mật khẩu, mã PIN, OTP để thực thực giao dịch chiếm đoạt tiền bất hợp pháp; nhân danh là công an, viện kiểm soát, tòa án,... gọi điện qua giao thức VoIP để đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm, yêu cầu khách hàng chuyển cuộc gọi đến các tài khoản chỉ định nhằm phục vụ điều tra.

Hay giả mạo tin nhắn thông báo của ngân hàng, trang thông tin điện tử chính thống để gửi thông tin kèm theo đường link giả để thu nhập thông tin tài khoản, thẻ của người dùng, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong tháng 9/2022, nhiều người dân là khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - SCB nhận được tin nhắn từ tổng đài của SCB với nội dung tài khoản của mình đã đăng ký một chương trình quảng cáo và sẽ bị trừ số tiền lớn vào mỗi tháng. Tin nhắn này yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn để kiểm tra hoặc hủy dịch vụ. Tuy nhiên, khi truy cập vào đường dẫn trên, nhiều khách hàng đã mất một số tiền trong tài khoản.

Sau khi xảy ra vụ việc, đại diện Ngân hàng SCB cho biết các đối tượng lừa đảo sử dụng thiết bị phát sóng để chèn tin nhắn giả thương hiệu Ngân hàng SCB và được gửi xen lẫn các tin nhắn giao dịch, biến động số dư gây nhầm tưởng cho khách hàng, từ đó dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo của mình.

Ngoài ra, hiện nay xuất hiện hành vi chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ trả góp/rút tiền mặt thẻ tín dụng,... nhằm ăn cắp thông tin thẻ, mã OTP để thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến chiếm đoạt tiền,...

 Ngân hàng Agribank chỉ ra những hình thức lừa đảo của kẻ gian đang thực hiện trong thời gian qua.

 Ngân hàng Agribank chỉ ra những hình thức lừa đảo của kẻ gian đang thực hiện trong thời gian qua.

Cuối năm 2022, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an tạm giữ 86 người giả nhân viên tín dụng của các ngân hàng gợi ý khách hàng rút tiền từ thẻ tín dụng để chiếm đoạt.

Cụ thể, các đối tượng giả danh là nhân viên của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm mà không mất phí; sau khi nạn nhân đồng ý thì các đối tượng yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP. Khi có thông tin, các đối tượng thực hiện giao dịch thông qua các gian hàng trên 1 website để chuyển đổi tiền từ thẻ của khách hàng sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng để chiếm đoạt.

Bên cạnh đó cũng có không ít những phương thức lừa đảo cũ, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều khách hàng sập bẫy.

Trước những thủ đoạn lừa đảo không ngừng được "nâng cấp" biến hóa tinh vi, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank ra thông báo để khách hàng cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng của kẻ gian.

Ngân hàng Agribank khẳng định mọi thông tin của khách hàng khi giao dịch tại Agribank đều được bảo mật. Ngân hàng không có liên quan dưới bất kỳ hình thức nào đến các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi tư vấn khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Đại diện ngân hàng Agribank cho biết nguyên nhân thông tin cá nhân của người dùng bị lộ, lọt có thể xảy ra khi thực hiện khai báo, đăng nhập trên các website, ứng dụng không chính thống hoặc giao dịch tại một số đơn vị chấp nhận thẻ.

Do đó, Agribank khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, tìm đến các điểm giao dịch hợp pháp để thực hiện mọi thao tác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và lừa đảo bằng công nghệ cao nói riêng cần có sự cảnh giác cao của tất cả mọi người.

Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo cho người dân chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.

Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

 

Thanh Thảo

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục