Nếu như những năm trước, các bậc phụ huynh muốn gửi tiền cho con ở ngân hàng thì sẽ phải mở một tài khoản tiết kiệm đứng tên mình, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây xu hướng lập tài khoản riêng cho con tại ngân hàng đang ngày càng thịnh hành. Một loạt các ngân hàng đã đồng loạt tung những sản phẩm tiền gửi nhắm tới đối tượng trẻ em. Hầu hết đều cho phép trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi (có nơi cho phép đến dưới 18 tuổi) đã có thể đứng tên sổ tiết kiệm. Bố mẹ có thể tùy ý gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm bất cứ lúc nào.
Có thể kể đến một loạt sản phẩm như “Super Kid” của Techcombank; “Tiết kiệm Phù Đổng” của Sacombank; “Chắp cánh cho con yêu” của DongA Bank; “Tích lũy Lớn lên cùng yêu thương” của BIDV; “Tiết kiệm cho con yêu” của Eximbank…
Người dân đổ xô đi mở sổ tiết kiệm… cho con.
Theo một nhân viên ngân hàng chia sẻ, trong thời gian qua đã có rất nhiều khách hàng quan tâm tới sản phẩm này. Nhất là sau các dịp nghỉ lễ, tết, không khí giao dịch tại ngân hàng vô cùng nhộn nhịp và sôi động khi đón nhận lượng khách hàng lớn đến mở sổ tiết kiệm cho con.
Đa số những khách hàng này đều có cùng chung suy nghĩ việc mở sổ tiết kiệm đứng tên con sẽ giúp bố mẹ có thể tiết kiệm tiền cho con cái, tạo lập "của để dành" cho cả nhà.
Khác với gửi tiết kiệm thông thường, khách hàng lập sổ mang tên con có thể gửi góp thêm tiền bất cứ lúc nào và qua nhiều hình thức như tại quầy, qua Internet Banking, Mobile Banking hoặc thậm chí qua ATM. Đồng thời khi cần khách hàng cũng có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào.
Chị Phạm Thị Mai Hương (Hà Nội) cho biết chị đã lập tài khoản ngay khi sinh con. Hầu hết những khoản tiền liên quan đến con như tiền mừng tuổi năm mới, tiền tiêu vặt, tiền ông bà nội ngoại cho... đều được chị chuyển vào tài khoản mang tên con trai. Ngoài ra mỗi tháng trích từ tài khoản lương của mình 500.000 đồng chuyển thẳng vào sổ tiết kiệm mang tên con.
“Thật sự đây là một hình thức rất hay, mở sổ tiết kiệm cho con như là một hình thức bảo hiểm cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn, không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng và bình quân lãi suất cao hơn. Đồng thời với khoản tiết kiệm này, tôi nghĩ rằng sẽ giúp con ý thức được việc tiết kiệm và làm chủ được đồng tiền, tiêu tiền đúng mục đích cũng như tạo cho cháu một số vốn liếng khi lớn khôn” - chị Hương chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết con gái anh mới 1 tuổi nhưng đã có tài khoản ngân hàng. Từ lúc bé mới sinh, các khoản tiền gia đình cho con, anh đều để riêng và chuyển vào tài khoản cho bé. “Dù con còn nhỏ chưa biết gì nhưng xem đó là món quà ý nghĩa ba mẹ dành cho bé khi lớn lên” - anh Thanh nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc mở sổ tiết kiệm cho trẻ em giống như một hình thức bảo hiểm nhân thọ cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn, không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng và bình quân lãi suất cao hơn. Đồng thời dịch vụ này còn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Gửi ngân hàng vài trăm ngàn đồng/tháng nghe có vẻ ít nhưng nếu tích lũy nhiều năm thì sẽ trở thành số tiền lớn giúp cha mẹ nuôi con ăn học.
Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm gửi tiền này không hẳn là phương án tối ưu với tất cả mọi người. Bởi bản chất cha, mẹ mới chính là những người “chủ” trong thời gian con chưa trưởng thành. Như vậy, ý tưởng để dành tiền cho con có thể “tiêu tan” nếu như các bậc cha, mẹ không thực sự kiên định, rút tiền giữa chừng.
Thêm vào đó mặc dù lãi suất của sản phẩm này có cao hơn bảo hiểm nhân thọ nhưng đây lại không phải là mức lãi suất tối ưu so với các kỳ hạn gửi dài thông thường. Do vậy các bậc phụ huynh nên cân nhắc trước khi mở sổ tiết kiệm mang tên con theo trào lưu.