Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ nộp thuế như thế nào?

Bộ Tài chính cho biết, cá nhân nhận thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký văn bản trả lời kiến nghị cử tri về công tác quản lý thuế.

Cụ thể, cử tri cho biết hiện có nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng và đề nghị phải quản lý thuế đối với các quảng cáo này. Về vấn đề này, Bộ Tài chính dẫn Điều 5 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định quy định mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.

Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.
Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 cũng đã quy định cụ thể thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm 10 loại thu nhập, gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế; Thu nhập từ nhận quà tặng.

Theo Bộ Tài chính, tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với các loại thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế. Cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

Các khoản thu nhập chịu thuế, gồm: Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp cá nhân là nghệ sĩ trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân trả thu nhập để thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng và được nhận khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12.

Theo đó, tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế tương ứng với các loại thu nhập chịu thuế trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về công dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2022 đã xử phạt vi phạm 23 cơ sở vi phạm quảng cáo với tổng tiền phạt 1,26 tỷ đồng.

Chuyển Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) 119 đường link trong đó có 72 đường link facebook, 6 đường link youtube để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo. Ngoài ra, chuyển Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) 82 đường link của trang thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) hiện gặp khó khăn do các vi phạm về quảng cáo các sản phẩm này, đặc biệt trong môi trường mạng, trên các website, trang thương mại điện tử, zalo, facebook, youtube có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm.

Một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, thuê nghệ sĩ quảng cáo "thổi phồng" công dụng thực phẩm chức năng, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh...

Cục An toàn thực phẩm cho biết với các vi phạm, cục đã mời các công ty có sản phẩm vi phạm lên làm việc để lập biên bản xử phạt và công khai kết quả. Tùy mức độ vi phạm, các công ty bị áp dụng phạt tiền, phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo có thời hạn) và có biện pháp khắc phục (cải chính, tháo dỡ, thu hồi sản phẩm...).

PV (t/h)

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục