Nghề lái taxi: Không đơn giản chỉ ngồi sau vô-lăng!

(KDPL) - Nói đến nghề lái taxi, nhiều người cho rằng đây là một nghề tương đối an toàn trong xã hội, với thu nhập khá cao và nhàn hạ theo kiểu “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu”… Tuy nhiên, chỉ khi vào nghề rồi thì mới thấy, nghề này khá vất vả, cũng có nhiều mối nguy hiểm rình rập người tài xế taxi, nhất là ở các thành phố lớn...

Vui, buồn cùng nghề lái

Hiện nay ở các thành phố lớn, nhất là tại đầu tầu kinh tế cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều hãng taxi ra đời để phục vụ nhu cầu đi lại của khách. Riêng tại Hà Nội theo con số thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 80 hãng taxi lớn nhỏ đã dẫn tới việc cạnh tranh gay gắt để giành lấy khách hàng. Đối với những người tài xế lái taxi, để kiếm sống họ phải làm cả ngày lẫn đêm rất vất vả. Lái taxi là nghề thường được tiếp xúc với rất nhiều người, đủ các thành phần trong xã hội, vì vậy đa phần người lái taxi đều trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để có thể giao tiếp với khách hàng. Đặc biệt, để có thu nhập ổn định và giữ được khách quen, người lái xe cần phải nhanh nhẹn, tận tình, kiên trì và nhẫn nại, đó cũng chính là những tố chất chính của người lái xe.

Nghề lái taxi: Không đơn giản chỉ ngồi sau vô-lăng! - Ảnh 1
Do không có điểm đỗ xe nên hàng loạt xe của các hãng taxi dừng đỗ trên vỉa hè và tràn xuống lòng đường (ảnh chụp trên đường Nguyễn Hoàng Tôn trước cổng Khu đô thị Siputra, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Chúng tôi đã gặp Nam, lái xe một hãng taxi tại Hà Nội cho biết, Nam mới vào lái cho hãng được hơn 4 năm nhưng Nam đã có rất nhiều trải nghiệm đối với nghề này. Chia sẻ với chúng tôi, Nam cho biết mình quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh  Nam Định. Học xong cấp III do nhà không có điều kiện để đi học nên Nam đã xin vào một xưởng sửa chữa xe máy ở Thành phố Quảng Ninh để làm, ngày nào chân tay cũng lấm lem với dầu mỡ... Tuy nhiên, cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng khác khi chuyển nghề từ sửa xe sang… lái xe, sau vài lần chuyện trò cùng cánh lái taxi đến gara chỗ Nam học nghề để sửa xe.

Sau khi có được tấm bằng lái xe trên tay, Nam đã quyết định lên Hà Nội lập nghiệp. Hồi đó, Nam cũng đã cất công đi xin làm lái xe ở nhiều nơi nhưng do mới có bằng nên đi vào các công ty du lịch Nam đã không được các công ty này nhận. Đang tính nước về quê thì rui rủi thế nào Nam được một đồng hương giới thiệu vào làm cho công ty hiện nay anh đang làm. Mới đầu vào nghề cũng lắm gian truân vì chưa thuộc tuyến đường, giao thông thành phố khác nhiều so với ở quê nên chuyện… đi lạc, đi đường vòng thường xuyên diễn ra, kéo theo là bị khách hàng phàn nàn. Nam chia sẻ thêm, ban đầu dễ nản chí, định bỏ về quê, nhưng dịch vụ taxi ở quê chưa phát triển, vốn liếng không có để mua xe tải chở hàng nên cố gắng “cầm cự” ở thành phố. Qua vài tháng, quen đường, quen luật, có thêm khách quen… cảm thấy nghề “dễ thở” hơn.

Anh Hoàng, lái taxi ở quận Tây Hồ cho biết, làm nghề này phải có tính kỷ luật rất cao và phải có được tính kiên trì nhẫn nại, cẩn thận, lòng yêu nghề và phải có cái đầu “lạnh” để xử lý các tình huống phát sinh trong khi mình lái xe.

Hầu hết các lái xe taxi trong hãng xe của mình đều xác định đây thực sự là một nghề không an nhàn. Đối với những người mua xe riêng rồi đóng phí để lấy thương hiệu của hãng thì hàng tháng dù có thu nhập cao hay thấp vẫn phải đóng một khoản cố định cho công ty.

Nghề lái taxi: Không đơn giản chỉ ngồi sau vô-lăng! - Ảnh 2
Nghề lái taxi nguy hiểm, vất vả, nhưng thú vị

Còn những người không có xe riêng công ty sẽ giao xe và khoán xe cho 2 tài xế đủ 24 tiếng, từ 5 giờ sáng hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, hoặc phân theo ca. Nếu chạy xe công ty thì tài xế sẽ có mức lương cơ bản và có thêm “hoa hồng” nếu đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nếu như mình không nhanh thì việc bị các hãng khác “cướp” khách xảy ra ngay, nếu như mình không nhanh thì chỉ có nước về “nhì”, xem như mất khách. Toàn, lái xe cho một hãng taxi chia sẻ: “Nhiều hôm có điện thoại từ tổng đài bắt khách ở một địa chỉ cụ thể, nhỡ có bị tắc đường, đèn đỏ là có xe khác đến đón khách luôn. Mà khách thì thường không chờ đợi, nếu họ đang bận việc, tiện xe nào là họ đi luôn.” Nếu như nghề xe ôm còn có thể đứng ở chỗ nào cũng bắt khách được nhưng nghề taxi này thì khác, do không có điểm đỗ nên tài xế phải đi lòng vòng để bắt khách, nếu đón khách ở những điểm cho phép thì không có vấn đề gì, nhưng dừng phải những nơi bị cấm, gặp lực lượng công an, sẽ bị phạt tiền, và đó cũng là một trong những hạn chế lớn nhất của nghề lái taxi. 

Những hiểm nguy rình rập

Anh Long, tài xế của một hãng taxi, làm việc ở Cầu giấy (Hà Nội) cho biết: “Với một người tài xế mới vào nghề, thì lái ca đêm nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh. Việc chở những hành khách say rượu, xù tiền rồi dọa dẫm hẳn nhiều tài xế không may gặp phải. Việc người tài xế cần làm lúc đó là phải giữ bình tĩnh để an toàn cho bản thân trước, còn chuyện có bị “thất thu”, không còn cách nào khác là phải chấp nhận.” Anh Long cũng chia sẻ thêm, để trang bị kỹ năng phòng vệ anh đã theo học lớp võ, vừa rèn luyện sức khỏe lại vừa phòng thân khi gặp trường hợp không may.

Chạy ban đêm, chuyện khách hàng say xỉn rồi không trả tiền bọn em gặp thường xuyên, gặp những “cuốc” như vậy, bọn em chỉ biết bỏ tiền túi mà bù vào, những khách hàng đi “cuốc” ngắn thì việc tài xế bù vào không vấn đề gì, nhưng những “chặng dài” mà khách không trả tiền, thì xem như hôm đó quá xui xẻo”, Nam (nhân vật ở trên) cho biết.

Nhắc lại một chuyện “kinh khủng” đã xảy ra trong thời gian lái taxi, nét mặt Nam vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi. Một lần Nam chạy xe từ Chợ Đồng Xuân đi Sơn Tây, suốt một ngày ế ẩm vì không có khách, Nam tưởng mình gặp may. Thế nhưng khi chở khách đến nơi, khách xuống xe mà không  trả tiền. Sau khi đôi co vài câu, Nam thấy khách gọi điện. Một lúc sau, vài anh xăm trổ lại gần xe Nam, bắt Nam mở cửa và dọa: “Nếu không biến khỏi đây, sẽ không còn đường về”. Kể từ đó, Nam chỉ dám chở nhưng khách quen, hoặc chở khách theo cảm tính, hạn chế chạy chặng dài để tránh gặp rủi ro.

Đã có nhiều trường hợp người lái taxi bị cướp tiền, cướp xe, và những điều hiểm nguy hơn, nhưng người tài xế đã xác định gắn bó với nghề, tồn tại cùng nghề nên họ không dễ lùi bước. Họ cho rằng, làm nghề nào cũng có rủi ro. Làm nghề lái taxi nếu có đều đặn khách mỗi ngày đã là một điều may mắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiên nghị như vậy. Cũng có nhiều người bỏ nghề để theo đuổi nghề khác, khi thấy đồng nghiệp gặp nguy hiểm, hay chính bản thân là người gặp những rủi ro.

Anh Lâm, trước lái taxi, hiện nay anh mở quán ăn cho biết: “Lái taxi may mắn thì có thu nhập cao, nhưng cũng phải có lập trường kiên định vì dễ bị gạ gẫm sử dụng ma túy để tỉnh táo hơn khi lái xe, hoặc bị dụ dỗ vào những tệ nạn xã hội, thậm chí là quan hệ đồng tính. Tôi đi làm vài năm, vui, buồn đủ cả; mỗi lần đi chặng xa, vợ con ở nhà điện thoại lo lắng, vì thế mình cũng không tập trung vào công việc được. Được sự động viên và ủng hộ của gia đình, tôi cùng vợ mở quán ăn, không phải chạy xe, vợ con cũng yên tâm hơn”.

Nghề nào cũng có những đặc thù riêng, chứa đựng trong đó là niềm vui khi được làm việc, có thu nhập; nhưng cũng có những nỗi buồn, những lo lắng chỉ những người trong nghề mới có thể hiểu được. Nghề lái taxi cũng như thế, đối với những người quyết gắn bó với nghề - bởi họ tìm thấy trong đó sự hân hoan, phấn khởi; nhưng cũng có những người nhất định từ bỏ - bởi những điều, không chỉ họ mới cảm nhận thấy, mà những người ngoài cuộc như chúng ta cũng có thể hiểu phần nào để cảm thông với họ…

Đỗ Tuấn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục