Ngành tư pháp xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển ngành công tác tư pháp năm 2020.

Ngành tư pháp xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hoàn thành 125 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Theo đó, ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt, tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng, qua đó, xây dựng các luận cứ quan trọng để Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách pháp luật trong giai đoạn tới.

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 125 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trả lời 124 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội trong năm 2019; tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương và nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ và chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc phối hợp liên ngành trong công tác tư pháp, pháp chế tiếp tục được tăng cường.

Đặc biệt, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành.

Ngành tư pháp xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 - Ảnh 2
Ảnh: VGP/Lê Sơn


10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp năm 2020

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2020, Bộ Tư pháp xác định rõ 10 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện.

Thứ nhất, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thứ ba, chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền. Tập trung cao cho việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ, ngành; tuyên truyền, sử dụng kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Thứ tư, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc kinh tế, tham nhũng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Thứ năm, tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp.

Thứ sáu, tăng cường quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng 2014. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III. Tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn; Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025. Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng.

Thứ bảy, triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”. Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư.

Thứ chín, thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật với các đối tác quốc tế trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2020 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Tiếp tục thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, thí điểm trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Thứ mười, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

Theo Lê Sơn/Chinhphu

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục