Ngành bất động sản 1 năm nhìn lại: Vẫn tăng trưởng ngược dòng Covid-19, Proptech lên ngôi và thu hút hàng triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm

Một thống kê cho thấy, hiện có 100 nền tảng Proptech đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, sân chơi Proptech còn đang mở rộng rất nhanh và thu hút mạnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đơn cử, cuối tháng 10 vừa qua, Citics - startup cung cấp giải pháp dữ liệu cho các ngân hàng để xác nhận giá trị của bất động sản - công bố gọi vốn thành công 1,3 triệu USD từ Vietnam Investment Group, Vuples Investment Management và BHS Group...

Ngành bất động sản 1 năm nhìn lại: Vẫn tăng trưởng ngược dòng Covid-19, Proptech lên ngôi và thu hút hàng triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm - Ảnh 1

Ngược dòng Covid-19, thị trường bất động sản vẫn có những bước tăng trưởng và mở ra nhiều tiềm năng hơn bao giờ hết. Ghi nhận, quy mô thị trường bất động sản toàn cầu sẽ đạt 8.600 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng 2,8% so với năm 2019. Ngoài ra, sau đại dịch, thị trường du lịch toàn cầu được dự đoán tăng trưởng lên đến 1.300 tỷ USD vào năm 2021; khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng được dự đoán tăng trưởng hơn 950 tỷ USD vào năm 2021.

Tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu bất động sản cũng không ngoài cuộc, thậm chí đang trong xu hướng tăng mạnh khi dư địa thị trường so với khu vực còn dồi dào. Song song, mức thu nhập của người dân ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Đây chính là cơ hội để kích cầu thị trường và người dân có nhiều cơ hội mua được các sản phẩm bất động sản khác nhau.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đánh giá Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Tính sơ bộ một năm có đến trên 1 triệu dân chuyển đến các đô thị lớn để sinh sống. Đây là một thị trường lớn của ngành bất động sản ở những giai đoạn sau.

Dù vậy, Covid-19 bùng phát và đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản. Để có thể đáp ứng nhu cầu và tiếp tục lưu thông dự án, một xu hướng mới phải và đã hình thành - Proptech.

Một thống kê cho thấy, hiện có 100 nền tảng Proptech đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, sân chơi Proptech còn đang mở rộng rất nhanh và thu hút mạnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đơn cử, cuối tháng 10 vừa qua, Citics - startup cung cấp giải pháp dữ liệu cho các ngân hàng để xác nhận giá trị của bất động sản - công bố gọi vốn thành công 1,3 triệu USD từ Vietnam Investment Group, Vuples Investment Management và BHS Group. Hay Rever - startup tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào môi giới bất động sản – cũng chốt thành công huy động 10,2 triệu USD của Mekong Capital. Vòng gọi vốn trước đó từ GEC-KIP và Golden Equator Capital, công ty đã huy động được 2,3 triệu USD…

Trong động thái mới đây, Propcom dù mới gia nhập đã muốn phát triển thành một cộng đồng - nơi kết nối chủ đầu tư, công ty kinh doanh với đối tượng yêu thích bất động sản, tài chính ở mọi lứa tuổi. Hay Ztudium, tập đoàn công nghệ tới từ Anh, cũng kỳ vọng trở thành nhà cung cấp nền tảng Society 5.0 (Xã hội 5.0) trong dòng chảy đi lên của thị trường bất động sản Việt.

Bởi, mô hình truyền thống đang gặp những rào cản về mặt địa lý cũng như nguồn lực, và việc sử dụng công nghệ là cách thức tối ưu nhất. Chia sẻ bởi người trong cuộc tại hội thảo mới đây, ông Andy Vũ – CEO công ty tư vấn Blockchain Marketing MBC - nhận định số hóa và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giải quyết được 5 bài toán lớn bao gồm: sản phẩm, marketing, sale, chăm sóc khách hàng và quản trị (bao gồm quản trị dự án, quản trị doanh nghiệp).

Bất động sản là một lĩnh vực cần nguồn phân phối tài nguyên rộng lớn và đa dạng, vì thế việc ứng dụng blockchain vào lĩnh vực này cũng phức tạp và chuyên sâu hơn so với nhiều ngành nghề khác. Số hoá nhiều lĩnh vực từ thời trang, sinh trắc học…. ông Dinis Guarda, founder Ztudium, cho biết với nhà đất thì các tài sản trị giá hàng triệu USD cũng được chia thành các phần nhỏ.

"Chia nhỏ đất đai hay nhà cửa có thể là điều không tưởng với mô hình kinh doanh truyền thống thì nay hoàn toàn có thể thực hiện được với kỹ thuật số. Các dự án số hoá trong bất động sản, đặc biệt là blockchain sẽ tạo điều kiện cho người dùng có quyền sử dụng các dịch vụ trong hệ sinh thái từ du lịch, giải trí, thư giãn cao cấp tới bất động sản theo mô hình time-sharing một cách linh hoạt và dễ dàng, thuận tiện hơn các mô hình kinh doanh truyền thống", ông nói thêm.

Cụ thể, khi các chủ dự án ủy quyền cho công ty công nghệ uy tín chia địa ốc của họ thành nhiều phần bằng nhau, sau đó mã hóa thành các token rao bán công khai, minh bạch trên các ứng dụng. Điều này giúp các tài sản kể cả trị giá hàng triệu USD cũng trở thành các ô tài sản nhỏ, có giá trị thấp hơn, mở ra cơ hội đầu tư của nhiều người hơn. Trong khi đó sổ đỏ sẽ được đơn vị công nghệ được ủy quyền nắm giữ. Khách hàng sau khi "chốt mua" sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình với những thông tin cập nhật, rõ ràng.

Thực tế, số hoá cũng như hình thức đầu tư bất động sản qua chuyển đổi số đã sớm được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 2020, một cao ốc hạng sang trị giá 30 triệu USD tại New York, Mỹ từng được chào bán qua blockchain. Hiện, ở Mỹ công nghệ số hóa bất động sản đang được đưa vào thử nghiệm với cuộc chạy đua về tiến độ ra mắt giữa các công ty tiên phong trong lĩnh vực này như Fluidity, Gretin hay Propellor Securities.

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục