Cả một quả đồi đã bị chủ đầu tư san gạt, lấp xuống hồ Đại Lải để làm khu biệt thự nghỉ dưỡng
Hồ Đại Lải - công trình cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1 km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi ngay sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.
Đại công trường lấp hồ
Hồ Đại Lải thuộc địa bàn TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), nằm cách Hà Nội hơn 40km là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Hồ còn là công trình thủy lợi quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.000ha đất canh tác của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần TP Hà Nội, có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này.
Trong tháng 6/2020, PV Báo Giao thông nhiều lần có mặt tại hồ Đại Lải, chứng kiến cảnh hàng chục ha mặt hồ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cả một khu vực kéo dài khoảng 1km ven hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên) bị biến thành một công trường xây dựng khổng lồ.
Ngay sát sân golf Đại Lải, một con đường lớn nối tới công trình xây dựng khổng lồ ngay sát hồ Đại Lải. Tại đây, một diện tích rộng tới hàng chục ha đã được san gạt phẳng với mức cốt cao hơn mặt hồ chừng 2m. Nhiều con đường nội bộ rộng rãi đã được cấp phối chia ô nối với các khu đất dự kiến sẽ trở thành những khu biệt thự.
Khi được hỏi về khu đất ven hồ Đại Lải đang bị san ủi, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên - đơn vị được giao quản lý hồ Đại Lải cho biết: “Các anh nhìn thấy rồi đấy, người ta san lấp diện tích khổng lồ ven hồ Đại Lải. Trước đây, khu vực đó là một quả đồi um tùm cây cối. Giờ chặt sạch cây, san phẳng quả đồi để làm khu biệt thự nghỉ dưỡng”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Tiến Chung, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: “Khu vực đang tiến hành san lấp mặt bằng thuộc địa bàn thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh. Khu vực này đang thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, giao đất quy hoạch chi tiết 1/2.000.
Theo đó, từ năm 2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho 1 doanh nghiệp thực hiện dự án tổ hợp sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng với tổng diện tích gần 300ha. Sau đó dự án được tách ra thành 2 phần, dự án sân golf đã thực hiện với diện tích 142ha. Phần đất còn lại với tổng diện tích 156,9ha thuộc quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, tới nay họ tiến hành san lấp xây dựng”.
Trong suốt buổi làm việc, dù PV nhiều lần đề nghị cung cấp thông tin hiện trạng khu đất, tổng diện tích san lấp mà Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện là bao nhiêu, song ông Lưu Tiến Chung tìm cách từ chối trả lời với lý do… chưa có tài liệu, con số chính xác.
Ngay cả một thông tin “rõ mười mươi” là hiện trạng khu đất trước khi san lấp là một quả đồi, ông Chung cũng chỉ cung cấp thông tin rất mơ hồ: “Họ tiến hành san lấp từ chỗ cao xuống chỗ thấp và san lấp trong chỉ giới được giao. Việc san lấp được tiến hành từ cuối năm 2019 tới nay, hoạt động san lấp được tiến hành tại chỗ (bằng cách bạt quả đồi xuống -PV). Quá trình thi công chính quyền địa phương chưa phát hiện sai phạm gì của chủ đầu tư”.
Sự mơ hồ khó hiểu của đơn vị quản lý hồ
Sau khi quả đồi bị san gạt, cả khu vực gần 1km ven hồ Đại Lải biến thành công trường xây dựng khổng lồ
Theo ông Phạm Văn Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Vĩnh Phúc, hồ Đại Lải trước đây có diện tích khoảng 530ha, tới nay diện tích của hồ còn khoảng 377,8ha.
Phản bác ý kiến này, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết: “Đã có rất nhiều người chất vấn chúng tôi rằng diện tích hồ Đại Lải là bao nhiêu. Tôi khẳng định tất cả thông tin về diện tích hồ Đại Lải là không chính xác vì tới nay chưa có một cuộc khảo sát nào làm căn cứ khoa học khẳng định diện tích hồ. Do hồ Đại Lải chịu trách nhiệm cung cấp nước phục vụ nông nghiệp của 2 địa bàn là tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội nên đơn vị quản lý hồ chịu sự quản lý song song của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ NN&PTNT”.
Dù là những người trực tiếp quản lý hồ Đại Lải nhưng dường như ông Nguyễn Đức Chính rất “hào hứng” khi nói tới thông tin “chưa có cuộc khảo sát thực tế hồ Đại Lải này là bao nhiêu”(?) Khi được hỏi tại sao đơn vị không tham mưu với cơ quan chức năng cấp trên tiến hành khảo sát hồ để làm cơ sở bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng, ông Chính trả lời: “Khảo sát tốn kém lắm”.
Thậm chí, khi PV hỏi việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất xuống lòng hồ, với vai trò là đơn vị quản lý hồ, đơn vị có tiến hành kiểm tra đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của doanh nghiệp, ông Đường Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên còn vô tư: “Đất đổ xuống sát mép hồ chỉ đục chút thôi, chắc không sao”(?!)
Trực tiếp quản lý hồ nhưng chẳng biết thực tế hồ rộng bao nhiêu; hồ bị xâm hại với quy mô lớn nhưng chẳng có động thái gì để bảo vệ, thực tế này khiến nhiều người không khó hiểu khi hồ Đại Lải lại đang công nhiên bị “xẻ thịt” không thương tiếc.
Vi phạm nghiêm trọng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết: “Từ đầu năm 2020, chúng tôi đã phát hiện ra việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam san gạt, đổ đất xuống hồ Đại Lải. Tổng cục Thủy lợi đã nhiều lần về kiểm tra, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc chấn chỉnh”.
Ngày 20/2, Tổng cục Thủy lợi ban hành Kết luận số 253 về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải. Kết luận chỉ rõ khu vực đổ đất thuộc dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng hồ Đại Lải, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. Theo đó, từ ngày 5/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 41 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải. Tuy nhiên, theo thông số kỹ thuật của hồ thì phần diện tích này là phần đất ngập hoàn toàn của hồ.
Quá trình kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đang thi công đổ đất vào lòng hồ (trong phạm vi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao) theo mốc ranh giới đất, từ mốc 217 đến mốc 243, chiều dài 700m, chiều cao san lấp từ 2 - 3 m. Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết: Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án làm giảm dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng tới nhiệm vụ và an toàn của hồ là phi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi. Ngoài ra, việc tôn nền đối với diện tích cao trình dưới diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế làm ảnh hưởng tới mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi đã vi phạm Luật Đất đai.
Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam tiến hành san nền, đổ đất… trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhưng không có giấy phép hoạt động đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về thủy lợi.
Cùng với sự vào cuộc của Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng phát hiện hoạt động bạt đồi, đổ đất lấp hồ Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. Ngày 7/1/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành thông báo kết luận yêu cầu UBND TP Phúc Yên thông báo tạm dừng toàn bộ hoạt động thi công các hạng mục công trình giáp mặt nước hồ Đại Lải. Tiếp đó, ngày 17/4/2020 UBND tỉnh tiếp tục có quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với dự án công trình ven hồ Đại Lải. Thời hạn kiểm tra là 30 ngày, tuy nhiên tới nay đã gần 3 tháng trôi qua, đoàn kiểm tra vẫn chưa ban hành được kết luận thanh tra.
Là một trong những thành viên của đoàn kiểm tra vụ việc hồ Đại Lải bị xâm hại, ông Phạm Văn Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc cho biết: Quá trình đổ đất thực hiện dự án, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã tiến hành san gạt diện tích lớn, trong đó riêng phần ảnh hưởng tới hồ Đại Lải, công ty này đã tiến hành lấp khoảng gần 1km dọc hồ, chiều rộng khoảng 30m với tổng diện tích hồ bị lấp khoảng hơn 2ha. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty này dừng mọi hoạt động cải tạo, san lấp trên.
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV, từ khi Tổng cục Thủy lợi ban hành Kết luận 253 tới nay, diện tích hồ Đại Lải bị xâm phạm không còn dừng lại ở 700m chiều dài hồ Đại Lải như kết luận của Tổng cục Thủy lợi.
|
Theo Baogiaothong