Ngân hàng yếu kém chính thức được phá sản

(Kinhdoanhnet) - Sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) sau khi được sự đồng thuận của 86,75% số phiếu tán thành. Dự kiến sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Trước khi dự luật được công bố đã có nhiều ý kiến khác nhau về có nên để ngân hàng phá sản hay không. Thậm chí có lãnh đạo đã tuyên bố sẽ không để ngân hàng nào bị đổ vỡ nữa. Tuy nhiên trong bộ luật mới với những quy định cụ thể về trường hợp phá sản thì đại đa số mọi người đều ủng hộ Luật phá sản này.

Sở dĩ khó cho phá sản ngân hàng hơn so với các doanh nghiệp phi tài chính khác là do những vì hệ thống tiền gửi của cá nhân, doanh nghiệp tại các ngân hàng. Hơn nữa việc các ngân hàng cho vay lẫn nhau trong hệ thống là rất phổ biến cho nên nếu 1 ngân hàng phá sản có thể kéo theo phản ứng tiêu cực dây chuyền đến những ngân khác.

Chính vì điều này mà giải pháp phá sản chỉ là giải pháp sau cùng sau những nỗ lực cứu chữa không còn tác dụng.

Hiện nay có 3 biện pháp đang dùng để cứu những ngân hàng yếu kém.

Đầu tiên và hay được làm nhất là tiếp tục bơm tiền để ngân hàng yếu, kém tiếp tục hoạt động với hi vọng tình hình sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên đây là biện pháp bị đánh giá là tốn kém và ít có triển vọng.

Phương pháp sáp nhập cũng đang được áp dụng phổ biến và đã có một số trường hợp thành công. Như việc Habubank sáp nhập vào SHB hay vụ hợp nhất đình đám giữa 3 ngân hàng SCB, FicomBank và TinnghiaBank trong năm 2011. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, điểm  quan trọng nhất trong việc sáp nhập là tìm được một ngân hàng khác chịu ôm phần nợ của ngân hàng yếu kém.

Quốc hữu hóa ngân hàng chỉ áp dụng cho những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”, tức có quá nhiều mối liên kết chằng chịt và to lớn trong hệ thống tài chính. Đây cũng là biện pháp tốn kém nhất. Với biện pháp này, ngân hàng trung ương sẽ cử người ngồi vào ghế quản trị ngân hàng, trực tiếp điều hành và thực hiện công việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh. Sau khi đã ổn định mọi thứ, ngân hàng trung ương sẽ bán cổ phần trở lại cho tư nhân và thậm chí còn có thể thu lời để bù đắp cho chi phí tái cấu trúc.

Còn ngân hàng yếu kém chỉ được phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người như: chủ nợ; người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Luật phá sản cũng quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Ngân hàng yếu kém chính thức được phá sản - Ảnh 1
Các ngân hàng chính thức được phá sản

 

Một số điểm chính trong luật phá sản:

Tổ chức tín dụng sẽ phải trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản và tuyên bố phá sản.

Việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự: Chi phí phá sản; Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết.

Sau khi đã thanh toán theo quy định mà vẫn còn thì tài sản của tổ chức tín dụng phần còn lại này thuộc về: Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Các thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, các cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần. Cùng với đó là các khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền.

Khi có cho một ngân hàng phá sản thì ngoài việc đảm bảo tiền gửi cho người gửi tiền thì NHNN còn phải tránh để cho ngân hàng tẩu tán tài sản. Vì nếu ngân hàng yếu kém bị phá sản, họ sẽ cố gắng kéo dài thời gian để tìm cách tẩu tán tài sản. Ví dụ, họ có thể thành lập công ty con để thế chấp tài sản, vay tiền và ghi vào nợ xấu, khi ngân hàng phá sản thì nhiều khả năng sẽ được xóa bỏ. Lúc đó, có lẽ chỉ có khách hàng gửi tiền, cổ đông sẽ chịu thiệt, còn những ông chủ ngân hàng sẽ vẫn ung dung hưởng lợi những món tài sản lớn.

 NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục