Vốn ngoại có dễ rút?
Nghị định mới căn cứ theo tỷ lệ mức sở hữu cổ phần của một cổ đông (15%) được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém tại Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”.
Thông tin vừa được đưa ra từ NHNN Việt Nam cho biết, trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn GP Bank đang trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài với khả năng sẽ được mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này.
Thông tin trên cũng cho thấy, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh tái cơ cấu. Trong hơn 2 năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến một cuộc lột xác ngoạn mục khi làn sóng mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) dần tăng tốc và phát triển một cách mạnh mẽ. Chính phủ đã có sự chỉ đạo tích cực đối với NHNN trong việc xử lý các NHTM yếu kém theo danh sách được kiểm soát.
Vì thế, nới “room” không chỉ là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực này, mà còn là kỳ vọng của không ít ngân hàng nhỏ trong danh sách tái cơ cấu, nhằm thu hút được nguồn lực tài chính từ các cổ đông nước ngoài để có thể đáp tốt ứng việc tái cấu trúc.
“Về lý thuyết, đây là chủ trương đúng và sẽ rất tốt nếu NĐT nước ngoài tham gia vào việc tái cơ cấu các TCTD này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này dường như rất khó thực hiện. Bởi xét về mặt kinh tế, các chủ sở hữu của TCTD yếu kém không sẵn sàng bán phần vốn của họ cho đối tác nước ngoài trong bối cảnh TCTD đang gặp khó khăn, bởi e ngại bị ép giá khi thương lượng”, một chuyên gia ngân hàng phân tích và nhấn mạnh.
“Mặt khác, về phía các định chế tài chính nước ngoài (bên mua), họ chỉ chấp nhận đầu tư vào các thương vụ và tài sản có tiềm năng, có khả năng sinh lời nhanh. Việc đầu tư vào một TCTD yếu kém có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của bên mua, nhìn chung không thuộc “khẩu vị” đầu tư ưa thích của các định chế tài chính quy mô lớn.
Do đây không phải là một thương vụ truyền thống và phổ biến với những định chế tài chính này, quá trình thẩm định và thương lượng thường phức tạp và kéo dài, gây khó khăn cho các bên liên quan.
VAMC không xử lý được triệt để nợ xấu
Hiện chỉ mới thấy việc VAMC mua lại nợ xấu của các ngân hàng, nhưng rất khó để xử lý được một cách triệt để khi chưa hình thành được thị trường mua, bán nợ. Điều này có thể sẽ làm cho quá trình tái cơ cấu một cách triệt để cũng sẽ tốn thêm nhiều thời gian so với dự kiến.
Theo thống kê của các ngân hàng Việt Nam, cuối năm 2013, nợ xấu đã giảm xuống 3,8% so với mức 4,8% cuối năm trước đó. Điều này cho thấy, xu hướng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm và sức khỏe của ngành ngân hàng cũng phần nào được cải thiện. Từ đó có thể thấy, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây là nhằm thúc đẩy, củng cố niềm tin của thị trường về quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đó chỉ mới xét về mặt con số tổng thể nợ xấu ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện. Nếu xét về thực tế bản thân các ngân hàng đã được cải thiện hay chưa thì chưa thể đưa ra nhận định là đã cải thiện tích cực hơn so với 2 năm trước. Bởi các thông tin được công bố từ các ngân hàng còn thiếu tính minh bạch và không đầy đủ, trong đó, có tỷ lệ nợ xấu.
Chính Thống đốc NHNN Việt Nam cũng cho hay, nợ xấu theo báo cáo của các NHTM đã giảm xuống dưới 4%, nhưng theo NHNN, tỷ lệ này vẫn ở mức khoảng 7%. Đồng thời, các tổ chức tài chính trên thế giới cũng còn nghi ngại trước những con số về nợ xấu mà ngành ngân hàng Việt Nam đưa ra thời gian qua.
Hiện Việt Nam đã có công cụ xử lý nợ xấu là VAMC và các ngân hàng từng bước đẩy mạnh bán nợ xấu cho công ty này. Như vậy, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ được cải thiện cả về chất và lượng. Tuy nhiên, nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC được xử lý thì phía ngân hàng mới có thể nhẹ gánh nợ. Trường hợp, các khoản nợ xấu không xử lý triệt để sau 5 năm thì nợ xấu sẽ được trả lại ngân hàng. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC cũng chưa hẳn được các ngân hàng thực hiện một cách đầy đủ. Đáng chú ý là với ngân hàng yếu kém, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lợi nhuận sau thuế âm thì không còn khả năng trích lập. Như vậy, nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn không được xử lý triệt để, trong khi ngân hàng lại không trích dự phòng thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại.
Mặt khác, hiện tại, VAMC mua nợ xấu của ngân hàng, nhưng đó là nợ xấu trong quá khứ, tức nợ xấu đã phát sinh. Trong khi đó, chúng ta không thể khẳng định được rằng, nợ xấu của ngân hàng sẽ không còn phát sinh trong vòng 5 năm tới. Ngược lại, nợ xấu của ngân hàng có thể sẽ gia tăng và cũng không loại trừ trường hợp có ngân hàng lặp lại tình trạng nợ xấu như thời gian qua. Thậm chí, nợ xấu còn cao hơn mức hiện nay cũng là điều có thể xảy ra. Lúc đó, việc xử lý nợ xấu sẽ càng khó khăn. Vì thế, điều quan trọng và đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng sau M&A cũng như ngân hàng nhỏ đó chính là quản trị rủi ro để có thể kiểm soát tốt hơn vấn đề rủi ro nợ xấu.
Điều này tạo cảm giác rằng, sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi nền kinh tế trở lên sáng sủa hơn, quá trình tái cơ cấu mới mang lại hiệu quả tích cực, giúp thanh khoản thị trường và tín dụng mới tăng lên. Vì thế, trước khi đầu tư vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét kỹ.
Nên mời khi “chưa yếu”
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tín dụng ở Hàn Quốc trong khủng hoảng tài chính châu Á trước đây cho thấy, trong giai đoạn đầu, bên mua nợ xấu không phải là các NHTM, mà chỉ là các quỹ đầu tư mạo hiểm, sau khi mua lại một ngân hàng yếu kém sẽ tiến hành thuê một đội ngũ chuyên gia vào xử lý và từng bước vực dậy ngân hàng được mua…
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới một nét đặc thù của các TCTD yếu kém tại Việt Nam là việc cho vay đối với các bên liên quan khá phổ biến, do đó, nếu NĐT nước ngoài tiến hành thẩm định trước khi mua cổ phần, việc xử lý và đánh giá về tài chính thường không đạt được những kết quả khả quan theo tiêu chuẩn quốc tế của bên mua lại.
“Do đó, cần nghiên cứu kỹ việc tham gia của NĐT nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam có thể được thực hiện với những đối tượng TCTD nào, trong giai đoạn cụ thể nào? Khái niệm ‘TCTD yếu kém’ còn mang tính tương đối và cần được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tình hình kinh tế trong nước khó khăn cùng với việc xử lý hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam có thể dẫn đến thực trạng một số NHTM tuy chưa gặp khó khăn, yếu kém về tài chính, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về quản trị, cơ cấu sở hữu…
“Quá trình tái cơ cấu không nên chỉ tập trung vào việc tái cơ cấu những ngân hàng đã được xác định là yếu kém và có khó khăn về tài chính, mà còn phải tạo cơ chế giúp các NHTM hiện thời chưa rơi vào tình trạng yếu kém, nhưng có những dấu hiệu không lành mạnh.
N.N.(Tổng hợp)